Lây lan rộng khắp
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 6 tuần qua.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan kêu gọi chính phủ các nước cần phản ứng nhanh chóng và thông tin một cách minh bạch.
Châu Mỹ vẫn là điểm nóng nhất của đại dịch, khi số ca mắc đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico...
Tại Mỹ, số ca tăng mạnh trong thời gian gần đây tập trung vào các bang ở miền Nam và Tây nước này như California, Texas, Alabama và Florida.
Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 57.039 trường hợp mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên con số 4.286.663 trường hợp.
Tại châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng trở lại. Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh.
Còn tại châu Phi, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm toàn quốc thêm 30 ngày, đồng thời cấm bán rượu trong các nhà hàng để tránh tụ tập đông người, hạn chế sự lây lan của dịch.
Trong thời gian gần đây, số ca mắc mới virus SARS-CoV-2 tại Kenya đã tăng đột biến sau khi quốc gia Đông Phi này nới lỏng lệnh giới nghiêm. Cho đến nay, Kenya đã phát hiện 17.603 trường hợp mắc Covid-19 và 280 trường hợp tử vong.
Hợp tác toàn diện
Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan và Nepal ngày 27-7 đã nhất trí hợp tác chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Tuyên bố trên được đưa ra khi Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì hội nghị ngoại trưởng 4 nước qua hình thức trực tuyến.
Ông Vương Nghị đề xuất 4 nước tăng cường sự đoàn kết chống dịch Covid-19, thực hiện cơ chế hợp tác chung về ứng phó với dịch Covid-19 trong khu vực, thúc đẩy hợp tác về chống dịch bệnh và nghiên cứu vaccine, cũng như đẩy nhanh sự hồi phục kinh tế và phát triển sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Trong khi đó, Mỹ công bố vaccine Covid-19 của hãng Moderna có thể được phân phối vào cuối năm nay, sau khi bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3. Thử nghiệm trên 30.000 tình nguyện viên, mục đích để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Bệnh nhân đầu tiên đã được sử dụng loại vaccine thử nghiệm trên tại một địa điểm ở thành phố Savannah, tiểu bang Georgia. Một nhóm thử nghiệm sẽ nhận được 2 liều vaccine mRNA-1273 100 microgam trong vòng 28 ngày, trong khi nhóm khác sử dụng một loại giả dược.
Giám đốc điều hành của Moderna Stephane Bancel cho biết thêm, Moderna vẫn duy trì kế hoạch cung cấp khoảng 500 triệu liều vaccine/năm và cố gắng đạt 1 tỷ liều mỗi năm bắt đầu từ năm 2021.
Theo dữ liệu được công bố trên Tạp chí y học New England, thử nghiệm trước đó đã gây ra phản ứng miễn dịch ở tất cả các tình nguyện viên. Các tác dụng phụ của vaccine mRNA-1273 bao gồm ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, song về cơ bản loại vaccine trên đang chứng minh được sự an toàn. Moderna đã nhận được gói hỗ trợ gần 1 tỷ USD từ chính phủ với mục đích đẩy nhanh nghiên cứu các loại vaccine tiềm năng.
Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ sinh học Biocad của Nga, ông Dmitry Morozov cho biết đang thảo luận việc sản xuất tại Trung Quốc một loại vaccine phòng Covid-19 tiềm năng được Viện virus học nhà nước Vector của Nga phát triển. Đây là loại vaccine tiềm năng, được nghiên cứu sản xuất dựa trên virus gây viêm miệng mụn nước (VSV), dự kiến đưa vào thử nghiệm lâm sàng giữa tháng 8.
Vaccine này là 1 trong 6 mẫu vaccine mà Viện Vector đang phát triển căn cứ theo danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Biocad đang tiến tới sản xuất 4-5 triệu liều vaccine/tháng dựa trên VSV vào cuối năm nay, nếu các thử nghiệm ở giai đoạn đầu chứng minh nó an toàn và hiệu quả.