Theo Báo cáo PAPI 2021, đại dịch Covid-19 trong năm qua đã tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng tới điểm số ở nhiều chỉ tiêu trong PAPI. Người dân ghi nhận sự cải thiện ở một số mặt về cơ sở hạ tầng cơ bản và an ninh trật tự ở địa phương, thể hiện qua mức độ hài lòng cao hơn với chất lượng đường sá, tiếp cận nước sạch, thu gom rác thải, cũng như ít phải đối mặt với tội phạm hơn trước. Lý giải cho những thay đổi này là tác động của giãn cách xã hội, tăng đầu tư công cho nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản…
Mặc dù vậy, Báo cáo PAPI 2021 cũng chỉ ra những “điểm trừ” trong quản trị và hành chính công các cấp ở Việt Nam. Theo đó, ngành y tế nhận được ít thiện cảm hơn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, điểm chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” giảm mạnh so với 2 năm 2019 và 2020.
Đặc biệt, bình đẳng đối với dân di cư là một vấn đề đáng quan tâm do hậu quả của đại dịch Covid-19 năm 2021, do có sự chênh lệch rõ ràng giữa người tạm trú và thường trú ở từng địa phương. Tuy nhiên, năm 2021, tỷ lệ người dân mong muốn di cư rất thấp, trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh mẽ, dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc.
Chỉ số tổng hợp PAPI 2021 cho thấy, so với kết quả của năm 2020, có 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Trách nhiệm giải trình với người dân” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”.
Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Dẫn đầu bảng tổng hợp kết quả PAPI 2021 của các tỉnh, thành phố là Thừa Thiên - Huế, tiếp theo là Bình Dương, Thanh Hóa. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TPHCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở TPHCM.
Theo Báo cáo PAPI 2021, có mức chênh lệch lớn giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất cấp tỉnh ở 2 chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Cung ứng dịch vụ công” trong năm 2021. Đáng chú ý là điểm cao nhất và thấp nhất cấp tỉnh năm 2021 đều giảm so với kết quả năm 2020 ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Các tỉnh, thành phố hầu như không có tiến bộ nào ở chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”, mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái đẩy mạnh chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do 2 đợt dịch Covid-19, nhưng chương trình nghiên cứu PAPI đã lấy được ý kiến của 15.833 người dân trên cả nước, nhiều nhất kể từ năm 2009 (khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện) tới nay.