Tại cuộc họp báo chuyên đề về lao động việc làm do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 12-10, cơ quan này cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý 3 năm 2021 tồi tệ hơn. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý 3 năm 2021 là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý 3 năm 2021 là 5,2 triệu người (tăng gần 1 triệu người so với quý trước và gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 kéo dài đã làm số lượng rất lớn lao động gặp khó khăn trong công việc và chuyển sang làm các công việc tự sản tự tiêu.
Trong tổng số 5,2 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có đến hơn 3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 58,6%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.
Cũng trong quý 3 vừa qua, thu nhập bình quân tháng của lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (6,0 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng).
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý 3 năm 2021 thấp hơn đáng kể so với quý 2 năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2 năm 2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Quý 3 năm 2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1,0 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906.000 đồng, tương ứng giảm 13,5% so với quý trước.
Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tới khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quý 3 năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng, giảm 340.000 đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.
Thu nhập bình quân của người lao động trong một số ngành kinh tế vốn đã chịu tác động từ các đợt dịch Covid-19 lần trước, quý 3 năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu so với quý trước. Trong đó, lao động ngành vận tải, kho bãi có thu nhập bình quân giảm 20,3%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân giảm 21,2%, tương ứng giảm 1,2 triệu đồng so với quý trước.
Thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương quý 3 năm 2021 là 6,0 triệu đồng, giảm 795.000 đồng so với quý trước và giảm 525.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,16 lần (tương ứng 6,4 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,2 lần so với thu nhập của lao động ở nông thôn (tương ứng 6,6 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).