Nguy cơ mất kiểm soát
Tại miền Trung, hầu hết các tỉnh thành đều phát hiện ca mắc mới ngày một nhiều. Tỉnh Thừa Thiên - Huế, 10 ngày qua đã phát hiện gần 1.000 ca F0. Trong khi đó, Đà Nẵng cũng ghi nhận số ca mắc tăng cao. Từ ngày 16-10 đến 21-11, TP Đà Nẵng ghi nhận 503 ca mắc Covid-19 với tỷ lệ 10 ca/100.000 dân. Tại Quảng Nam, Bình Định, do liên tục ghi nhận ca mắc mới, nhiều địa phương phải nâng cấp độ chống dịch lên cấp 3, cấp 4.
Từ đầu tháng 11 cho đến nay, tại tỉnh Bình Thuận, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần 20 ngày qua, Bình Thuận ghi nhận hơn 6.300 ca F0, trong đó TP Phan Thiết chiếm gần 3.200 ca, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh lên hơn 12.200 ca, đã có 98 người tử vong. Trong khoảng một tuần trở lại đây, số ca mắc toàn tỉnh luôn dao động từ 300 đến gần 500 ca/ngày.
Hiện 146 cơ sở cách ly tập trung, 40 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của địa phương đều quá tải. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ mất kiểm soát trong thời gian tới, nhất là tại TP Phan Thiết.
Các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, số ca mắc Covid-19 cũng không ngừng tăng. Ngày 21-11, Bình Dương ghi nhận 683 ca mắc, tăng 2,1% so với ngày 20-11, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 lên hơn 248.000 trường hợp. Tại Tây Ninh, trong ngày 21-11 đã ghi nhận 602 ca mắc Covid-19, tăng 161 ca so với ngày 20-11.
Chiều 22-11, UBND xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có thông báo phong tỏa toàn bộ để thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo cấp độ 4 kể từ 0 giờ ngày 23-11. Trong một tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại xã Long Sơn tăng nhanh với tổng cộng 339 F0 đã được ghi nhận, trong đó đáng lo ngại là nhiều trường hợp là công nhân tại Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Còn tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, số lượng các ca mắc mới đang quá tải so với năng lực chống dịch của các địa phương. Tại Bạc Liêu, 24 giờ qua ghi nhận 388 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 169 ca ghi nhận tại cộng đồng, nâng tổng số ca F0 trên địa bàn Bạc Liêu gần mốc 10.000 ca.
Chạy đua phủ vaccine
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, số ca F0 tại địa phương này tăng mạnh là do tỷ lệ tiêm vaccine còn quá thấp. Thừa Thiên - Huế có hơn 1,3 triệu người, nhưng đến 18 giờ ngày 21-11 mới có 184.909 người tiêm 2 mũi và 684.401 người tiêm 1 mũi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh tiêm vaccine cho khoảng 200.000 người từ 18 tuổi trở lên và tiếp tục tiêm mũi 2 cho 691.483 người dân.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Quảng Nam cũng gặp nhiều khó khăn do độ phủ vaccine chưa cao, chỉ 979.144 người tiêm, đạt 78,3% số người cần tiêm, trong đó chỉ có 256.147 người tiêm mũi 2 (20,5%).
Bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết, sau khi Quảng Nam thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, số lượng người từ các nơi khác về địa phương nhiều nên không thể tránh khỏi số ca mắc Covid-19 tăng lên. Việc phòng chống dịch tại khu vực các huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp khó do ý thức bảo vệ sức khỏe của các đối tượng này chưa cao. Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng dịch Covid-19 tại Quảng Nam hiện nay là việc phân bổ vaccine từ Bộ Y tế còn chậm.
Tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 tại một số tỉnh ĐBSCL cũng còn khá thấp. Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền cho hay, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến đầu tháng 12-2021 có thể bao phủ vaccine đối với người từ 18 tuổi trở lên (mũi 2) và trẻ em từ 12-17 tuổi.
Còn TS-BS Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, đến nay tỉnh đã triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 đạt 97,39%, số người tiêm mũi 2 mới chỉ đạt 62,71%; triển khai tiêm vaccine cho học sinh lớp 12 đạt 97,16%, trẻ em từ 15-17 tuổi mới đạt 70,52%...