Cùng ngày, chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York thông báo sẽ chi 1.500 tỷ USD để mua trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác. Quyết định trên được đưa ra theo sự chỉ đạo của Chủ tịch FED Jerome Powell trong nỗ lực tiếp sức cho thị trường tài chính do tâm lý lo ngại một cuộc suy thoái toàn cầu bao trùm từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh, tới Mỹ trong vòng một tháng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhóm họp khẩn cấp trong ngày 13-3 và thông báo ngân hàng này sẵn sàng bơm thêm 500 tỷ yen (4,8 tỷ USD) vào thị trường thông qua hoạt động mua lại trái phiếu.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng có đủ điều kiện từ ngày 16-3. Theo ngân hàng trung ương này, động thái trên sẽ “giải phóng” 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78,57 tỷ USD) từ các khoản dự trữ dài hạn. Động thái nêu trên của Chính phủ Trung Quốc được xem là nhằm giúp các ngân hàng trong nước có thêm vốn để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 rất nặng nề.
Cùng ngày, nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu siết chặt các biện pháp phòng dịch sau khi Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo khả năng các hệ thống chăm sóc sức khỏe của EU, Iceland, Liechtenstein và Anh bị quá tải rất dễ xảy ra trong những tuần tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ triển khai sáng kiến đầu tư có trị giá 37 tỷ EUR như một trong những biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước tác động của dịch bệnh Covid-19. EC cũng sẽ áp dụng một số biện pháp khác, trong đó có việc cho phép các nước thành viên “linh hoạt tối đa” về chi tiêu và trợ cấp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Italy sau khi quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nhất này công bố chi 25 tỷ EUR để phòng chống dịch Covid-19, vi phạm các nguyên tắc về thâm hụt ngân sách và nợ công của EU.