Gia tăng ca nhập viện
Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu tăng cao. Theo số liệu từ Sở Y tế TPHCM, tính từ 15 giờ ngày 25-4 đến 16 giờ ngày 26-4, trên địa bàn ghi nhận 301 ca mắc mới Covid-19, trong đó 94 ca nhập viện. Hiện các bệnh viện (BV) đang điều trị cho 311 bệnh nhân, với 102 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp. Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các BV trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng, lên phương án thu dung, tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19.
BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) từ hai tuần nay liên tục tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Trần Văn Quang, Phó Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết, những ngày gần đây, số ca mới nhập viện liên tục tăng cao, có khi lên đến 15-18 ca/ngày. “Đây chỉ là các ca có triệu chứng, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, còn các ca dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng và đã được tiêm chủng đầy đủ thì cho cách ly tại nhà”, bác sĩ Trần Văn Quang thông tin; đồng thời cho biết, hiện đơn vị đang điều trị cho 8 ca bệnh, trong đó có 1 trường hợp viêm phổi, suy hô hấp, phải thở qua canulla, bệnh nhân là người cao tuổi, có bệnh nền tiểu đường và tăng huyết áp.
Tại BV Thống Nhất, theo bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, khoảng từ 2 tuần nay, đơn vị bắt đầu tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-19. Hiện BV đang điều trị cho 20 bệnh nhân, chủ yếu là người trên 65 tuổi và tất cả đều có bệnh lý nền. Đặc biệt, người trên 80 tuổi chiếm tỷ lệ 30%; và 100% bệnh nhân Covid-19 nhập viện mắc bệnh nền về tim mạch hoặc hô hấp. Còn tại BV Chợ Rẫy, theo TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, dù số ca mắc Covid-19 tăng trong những ngày gần đây nhưng đa số nhẹ và trung bình, không nhiều ca bệnh nặng. Một vài bệnh nhân nặng hơn là do các yếu tố bệnh nền. Từ giữa tháng 4-2023, các ca bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại BV Chợ Rẫy. Các ca bệnh đa số có bệnh lý nền như: tiểu đường, suy tim, van tim, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… Đây là những yếu tố nguy cơ khiến những bệnh nhân này khi chuyển viện đa số phải tiến hành thở máy hoặc lọc máu.
Có nên tiêm mũi vaccine tăng cường?
Thời gian qua, chuyên mục Alo bác sĩ của Báo SGGP tiếp nhận nhiều băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về việc có nên tiêm vaccine mũi 3, 4 (mũi tăng cường) khi số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng nhanh, đã có ca tử vong; miễn dịch cộng đồng tại TPHCM đã bắt đầu giảm. Điển hình trường hợp anh T.T.A. (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bày tỏ lo lắng khi nghe tin dịch Covid-19 quay trở lại, bản thân đang suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV. Anh A. cho biết, cán bộ y tế khuyên anh nên tiêm thêm 1-2 mũi vaccine để có kháng thể bảo vệ cơ thể khi dịch Covid-19 quay trở lại. Tuy nhiên, nghe nhiều người nói tiêm vaccine Covid-19 có thể bị giảm trí nhớ và có nhiều tác dụng phụ nên anh băn khoăn, chưa quyết định. Còn bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) dù đã tiêm 4 mũi vaccine Covid-19 từ năm ngoái nhưng do mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên bà đang phân vân về việc có nên tiêm thêm mũi tăng cường để bảo vệ bản thân khi dịch bệnh quay lại hay không.
Tại TPHCM, theo phân tích của Sở Y tế, 86% bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở BV đều có bệnh nền, và có khoảng 30% bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. “Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng ở TPHCM bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 94,17%), cùng với sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron. Do đó, Sở Y tế đã phát động chiến dịch bảo vệ người nguy cơ tại tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức và tổ chức tiêm chủng xuyên lễ cho người dân”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, thông tin.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân thành phố được thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mũi 4 chủ yếu tập trung cho một số nhóm người nguy cơ như: người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai...; còn những người bình thường được khuyến cáo nên tiêm đủ 3 mũi. Bên cạnh tiêm vaccine để duy trì miễn dịch, người dân cần tuân thủ nguyên tắc đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên và hạn chế đến những nơi tập trung đông người.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, mũi 4 vaccine Covid-19 (liều nhắc lại lần 2) dành cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên nhưng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như: cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp… Khoảng cách tiêm mũi 4 là ít nhất 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Riêng người đã mắc Covid-19 thì tiêm sau khi mắc Covid-19 được 3 tháng, và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.
TPHCM: Phân tuyến 3 tầng điều trị Covid-19
Sở Y tế TPHCM vừa yêu cầu các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng để công tác thu dung, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm nguy cơ diễn tiến nặng. Hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 tại thành phố sẽ tiếp tục được thực hiện theo mô hình “tháp ba tầng”. Cụ thể: Tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 mức độ vừa, nặng; tầng 3 là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch.