Nhu cầu về vàng tăng hơn bình thường
Các dữ liệu về tình hình kinh tế không suôn sẻ đã đẩy sức cầu mua vàng lên cao trong phiên giao dịch. Chốt phiên, giá vàng kỳ hạn giao tháng 4 đã tăng 28,3 USD (tương đương 1,75%), ở mức 1.648,8 USD/ounce.
Giá vàng tăng lên mức cao nhất, kể từ năm 2013, do kim loại quý này đang được coi là tài sản an toàn trong bối cảnh các nhà đầu tư đang rất lo ngại về tác động của Covid-19. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đà tăng của giá vàng vẫn còn bị hạn chế một phần do đồng USD cũng tăng giá. Chỉ số đồng USD - thước đo giá trị đồng tiền của Mỹ so với 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, cũng tăng khoảng 0,23%, lên mức 99,28 điểm tính đến 19 giờ 30 (giờ GMT), tức 2 giờ 30 ngày 22-2 theo giờ Việt Nam.
Nhà phân tích Margaret Yang Yan tại CMC Markets cho rằng, việc giá vàng tăng khi đồng USD lên giá cho thấy nhu cầu về vàng đã vượt qua tác động của đồng USD như thông thường, tức giá vàng sẽ giảm khi đồng USD tăng. Lúc này các nhà đầu tư chuyển sang mua trái phiếu nhà nước Mỹ, giúp chấm dứt sự rớt giá của lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm, vốn giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.
Bất đồng về hạn ngạch khai thác dầu
Ngày 21-2, tờ The Wall Street Journal (WSJ) trích các nguồn thông tin cho biết, Saudi Arabia đang xem xét rút khỏi liên minh suốt 4 năm qua với Nga về khai thác dầu mỏ do nhu cầu toàn cầu sụt giảm bởi tác động xấu từ dịch Covid-19. Các nước giàu xăng dầu giờ đây đã trở thành nạn nhân do tác động của Covid-19 lên thị trường ngoại hối. Nhu cầu về xăng dầu giảm do việc hạn chế đi lại thời gian qua.
Theo WSJ, đại diện của Saudi Arabia, Kuwait và UAE sẽ hội đàm để cùng giảm sản lượng dầu thêm 300.000 thùng/ngày. WSJ lưu ý, Riyadh bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nhu cầu dầu, trong khi phía Nga cho rằng không có lý do gì để giảm thêm sản lượng. Các đại diện của Nga chỉ ra rằng, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang phục hồi và dịch bệnh chỉ có tác động hạn chế đối với nhu cầu dầu mỏ. Trước đó, Nga đã không đồng ý với đề xuất của Saudi Arabia chủ trương giảm thêm 600.000 thùng dầu/ngày, sau đó hạn ngạch sẽ là 2,3 triệu thùng/ngày.
Dự kiến, cuộc họp của đại diện các quốc gia tham gia thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu trong khuôn khổ OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6-3.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thậm chí còn lo lắng khi Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, tiền ảo và hàng hóa.