Quá tải bệnh nhi mắc bệnh hô hấp
Từ đầu tháng 8 đến nay, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận gần 10.000 lượt bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến đường hô hấp và gần 5.000 trẻ phải nhập viện điều trị. Khoa Hô hấp 1 của BV này luôn có khoảng 300 trẻ điều trị mỗi ngày. Phần lớn trẻ nhập viện do mắc các bệnh như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, thời tiết chuyển mùa từ mưa sang nắng chính là lý do khiến trẻ nhập viện gia tăng trong những ngày gần đây bởi thời điểm này các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh, sinh sôi nhanh chóng, độc lực cao khiến nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp. BS Nguyễn Hoàng Phong cho biết, trong số gần 5.000 trẻ nhập viện có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi.
“Trẻ nhỏ tuổi hệ miễn dịch chưa phát triển, sức đề kháng yếu do đó dễ sinh ra đàm và diễn tiến khó thở, suy hô hấp cũng đến nhanh hơn” - BS Phong cảnh báo. Chính vì thế, phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp 1 lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Thậm chí, dù chỉ có 20 giường bệnh nhưng có những ngày có đến 30 trẻ phải thở máy.
Nhập viện và thở máy gần 1 tuần nhưng bé Nguyễn Thị Thanh Hồng (12 tháng tuổi, ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) vẫn chưa thể bỏ máy thở. Theo lời kể của chị Lâm Thị Út Gái, mẹ bé Thanh Hồng, trước đó bé bị ho, sổ mũi. Nghĩ con bị cảm cúm thông thường, chị đưa con đi khám và uống thuốc theo đơn của BS phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, sau 3 ngày, bệnh không thuyên giảm mà sốt cao hơn, ho nhiều hơn. Khi bé bắt đầu mê man chị mới hoảng hốt đưa con lên BV Nhi đồng 2. Tại đây, các BS cho biết, con chị đã bị viêm phổi nặng, thở yếu, cần phải hỗ trợ thở máy.
BS Nguyễn Hoàng Phong khuyến cáo, các bệnh hô hấp do vi rút lây lan nhanh chóng qua đường không khí. Thời tiết chuyển mùa là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh, nhất là đối với trẻ có sức đề kháng yếu. Do đó, phụ huynh cần có các biện pháp phòng tránh như giữ ấm cơ thể trẻ vào ban đêm, cho trẻ uống nước ấm, vệ sinh mũi, họng trẻ thường xuyên. Phụ huynh không nên coi thường bệnh hô hấp, không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi bệnh này dễ tiến triển nhanh thành viêm phổi, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi khiến trẻ suy hô hấp, khó thở, nếu không được hỗ trợ thở thì sẽ vô cùng nguy hiểm. BS Nguyễn Hoàng Phong dự báo, từ nay đến tháng 10, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.
Cùng với bệnh đường hô hấp, từ tháng 8 đến nay, các BV nhi trên địa bàn TPHCM cũng ghi nhận số trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có hơn 3.500 trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Tại các khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố, chỉ trong tháng 8, số trẻ nhập viện điều trị tay chân miệng đã tăng hơn 10% so với các tháng trước đó. Riêng tại BV Nhi đồng 2, nếu tháng 7 chỉ ghi nhận gần 150 trẻ nhập viện điều trị thì trong tháng 8 số trẻ nhập viện do tay chân miệng là 308 trẻ, tăng hơn 2 lần.
Mặc dù vậy, theo BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng thành phố, bệnh tay chân miệng phần lớn có thể điều trị tại nhà, do đó số lượng chỉ định điều trị nhập viện chưa phản ánh hết mức độ gia tăng của bệnh. Thực tế số trẻ mắc tay chân miệng trong cộng đồng cao hơn số lượng trẻ nhập viện rất nhiều, nhất là sau khi trẻ tựu trường.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, tay chân miệng là một bệnh lành tính nhưng một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dễ dẫn đến tử vong. Nhà trẻ, trường mẫu giáo là những nơi dễ xuất hiện ổ dịch và lây lan nhanh chóng. Ngoài ra, nguy cơ lây bệnh cũng tiềm ẩn rất nhiều ở những nơi khác như các điểm vui chơi công cộng, người lớn mang vi trùng từ bên ngoài về hoặc lây nhiễm chéo tại BV.
Vì thế, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Khi thấy trẻ bỏ ăn, quấy khóc, nước miếng chảy nhiều, miệng hoặc lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối có bóng nước… thì đó là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay.
Còn BS Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 thì khuyến cáo, dù có thể điều trị tại nhà nhưng khi trẻ có dấu hiệu sốt cao khó hạ trên 39°C, trẻ giật mình, choáng váng, run tay run chân, đi đứng không vững... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.