Trong khi đó, ở trong nước với thời tiết nắng nóng, mưa nhiều cùng với việc tiêm chủng vaccine đối với nhiều loại bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt trên 95% quy mô xã/phường đang khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: viêm não, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi... tung hoành.
Đua nhau rình rập
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận hơn 303 trường hợp viêm não virus với 5 ca tử vong (số mắc tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Đối với viêm não Nhật Bản, cả nước ghi nhận 45 ca mắc và đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu như dịch bệnh viêm não ở miền Bắc đang phức tạp do thời tiết nóng bức gây ra thì tại các tỉnh thành phía Nam, SXH và TCM cũng đang có chiều hướng gia tăng. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận trên 21.733 người mắc SXH với 5 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, An Giang, Khánh Hòa. Đối với dịch bệnh TCM cũng ghi nhận hơn 15.341 trường hợp mắc tại 62 tỉnh thành nhưng tập chủ yếu ở TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An...
Riêng tại TPHCM, theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, bệnh SXH, TCM liên tiếp tăng trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 4 số ca mắc SXH là 557 ca nhưng đến tháng 5 vừa qua lên đến 666 ca; còn bệnh TCM ở tháng 4 là 264 ca, đến tháng 5 lên đến 353 ca. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc SXH được phát hiện ở TP lên đến 4.393 ca, còn TCM là 1.060 ca. Một số dịch bệnh khác như: sởi, ho gà, zika... cũng đã xuất hiện. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cảnh báo, với thời tiết đặc trưng mùa hè nắng nóng và mưa nhiều thì không thể chủ quan với diễn biến khó lường của nhiều dịch bệnh như: tiêu chảy, tả, thương hàn, sởi, dại...
Đáng lo ngại hơn, sự gia tăng khá bất thường của số người nhiễm cúm A/H1N1 tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh cúm mùa thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân, nhưng hiện nay cúm xuất hiện rải rác quanh năm. Kết quả giám sát cúm từ hệ thống giám sát quốc gia những tháng đầu năm 2018 ghi nhận virus cúm A/H1N1 chiếm tỉ lệ cao hơn so với các chủng virus cúm mùa khác, tới hơn 40%. Lý giải việc cúm A/H1N1 đang lây lan ở nhiều tỉnh thành phía Nam, nơi có khí hậu nắng nóng, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, virus cúm lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng nên mầm bệnh rất dễ lây lan nhanh từ nơi này ra nơi khác. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc đi lại, giao lưu đi lại giữa các vùng miền thuận tiện hơn nên nếu người chưa có miễn dịch hoặc cơ thể dễ cảm nhiễm thì dễ bị mắc bệnh. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù ổ dịch cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ đã được khống chế, nhưng nguy cơ lây lan của virus cúm A/H1N1 vẫn rất cao, có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Không chủ quan, lơ là
Trong khi nhiều dịch bệnh ở trong nước đang diễn biến phức tạp thì Việt Nam còn phải lo đối phó với nguy cơ xâm nhập của dịch Ebola khi từ tháng 4-2018 tới nay tại Công Gô đã ghi nhận hơn 60 ca mắc Ebola với 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong gần 50%). Trước dịch bệnh do virus Ebola gây ra với số người tử vong rất cao, WHO đã đưa ra mức cảnh báo cấp 3 là mức cao nhất với nguy cơ cao dịch lan sang các quốc gia khác. Nhận định về nguy cơ xâm nhập của Ebola vào nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, nguy cơ dịch Ebola xâm nhập, lây lan vào nước ta là thấp nhưng không thể loại trừ nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập, nhất là trong bối cảnh gia tăng sự giao lưu, đi lại giữa các quốc gia.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola tại một số quốc gia trên thế giới, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM cho biết, hiện đơn vị này đang triển khai kiểm soát dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và cảng hàng hải đối với các hành khách, thủy thủ đến từ Công Gô và các quốc gia Tây Phi đang lưu hành dịch bệnh này. Theo đó, nếu phát hiện hộ chiếu của những hành khách, thủy thủ trên các tàu biển có đến những quốc gia đang lưu hành dịch Ebola trong vòng 21 ngày sẽ được yêu cầu lưu lại cảng để tiến hành kiểm tra chi tiết và có biện pháp xử lý.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh do virus Ebola gây ra nên Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần phải thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin với bạn bè quốc tế về kinh nghiệm chuyên môn. Mặt khác, các bệnh viện phải tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng khu vực cách ly thu dung, điều trị ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Ebola.