Các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm không chỉ phát sinh từ các ổ dịch trong nước như trước mà đang có nguy cơ bị lây nhiễm từ các sản phẩm nhập lậu, thậm chí từ nguồn chim hoang dã di cư...
Đó là thông tin được nêu ra tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi và triển khai công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 26-8, tại Hà Nội.
Một chốt kiểm dịch gia cầm ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: V.P.
Dịch bệnh rình rập
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, sau khi bất ngờ phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N6 tại Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Tĩnh, cơ quan thú ý đã chỉ đạo các trạm tổ chức lấy mẫu hàng loạt gia cầm để theo dõi và xét nghiệm. Theo đó, Cục Thú y đã thu thập 6 mẫu gia cầm tại xã Chi Lăng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), 12 mẫu chim trĩ đỏ tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai) và 85 mẫu vịt tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Rất may kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy, các mẫu thu thập đều âm tính với virus cúm A/H5N6 và cho tới nay vẫn chưa phát sinh thêm ổ dịch mới, nhưng điều đáng lo là chủng virus đã được phát hiện trước đó ở cả ba địa phương giống tới 99% so với chủng virus cúm gia cầm gây chết người ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc. Trước đó, chủng virus này cũng đã từng được phát hiện ở Luang Prabang (Lào) vào tháng 7-2014. Tại Việt Nam, virus này đã được tìm thấy ở ba địa phương hoàn toàn cách xa nhau. Trong đó, nguồn virus tại tỉnh Lạng Sơn cách biên giới khoảng 5km có khả năng liên quan đến nguồn gia cầm nhập lậu, còn ổ dịch ở Hà Tĩnh lại do từ đàn chim hoang dã do đàn vịt đồng được chăn thả cùng vịt trời. Riêng tại tỉnh Lào Cai hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì đàn chim trĩ 2 năm tuổi được nuôi nhốt tại gia đình mà không nuôi nhốt chung với gia cầm khác và đàn gia cầm ở khu vực xung quanh đều âm tính với cúm gia cầm.
Theo ông Đàm Xuân Thành, kiểm soát nguồn virus từ chim hoang dã rất khó khăn. Tuy nhiên, phải nỗ lực ngăn chặn gia cầm nhập lậu để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Đây cũng là một thách thức vì gia cầm lậu được tuồn vào nội địa bằng đường mòn lối mở và tìm mọi thủ đoạn qua mắt lực lượng kiểm soát, các trạm chốt. Do đó, hầu như không được kiểm dịch để phòng ngừa virus.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tại ngành chăn nuôi trong nước đang có rất nhiều thuận lợi do các loại dịch như cúm gia cầm H5N1, heo tai xanh và lở mồm long móng được kiểm soát chặt, không có ổ dịch nào mới phát sinh như đầu năm. Nhờ vậy, giá các sản phẩm chăn nuôi đều tăng cao, bà con nông dân có lãi. Nếu cứ đà này, nguồn thực phẩm cho thị trường từ nay tới cuối năm sẽ dồi dào. Tuy nhiên, trước việc gia cầm lậu và lây lan dịch từ nguồn chim hoang dã, nguy cơ tiếp tục phát sinh các ổ dịch là rất cao. Không chỉ gây ảnh hưởng tới đàn gia cầm và ngành chăn nuôi mà virus mới còn gây nguy hiểm cho cả người. Ngoài virus cúm A/H5N6 thì nguy cơ từ các chủng virus khác như H5N1, H7N9, cúm heo H1N1... cũng vẫn có nguy cơ rình rập.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, hoạt động chăn nuôi của bà con đang được mùa được giá. Nhưng việc kiểm soát dịch bệnh luôn bất an như hiện nay thì chưa thể giúp bà con yên tâm đầu tư chăn nuôi. Chu kỳ của 10-11 năm qua là dịch bệnh luôn phát sinh vào dịp cuối năm. Để kiểm soát được dịch bệnh, phải xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, dịch bệnh bất thường đẩy nông dân vào tình trạng khi có dịch thì bỏ hoang chuồng trại, khi dịch bệnh được kiểm soát xong lại đổ xô chăn nuôi nên dư thừa nhiều, giá giảm và bị lỗ. Do đó, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã đặt điều kiện là phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh một cách bền vững. Đây là lợi thế để giúp bà con chăn nuôi ổn định về năng suất và giá, đồng thời tạo lợi thế để xuất khẩu.
| |
VĂN PHÚC