Áp lực lớn
Gia đình chị Hà Đức Hạnh (quận 3, TPHCM) có 4 người thì cả 4 bị ho, sốt. Con gái lớn học lớp 11 ho đã 1 tuần, uống thuốc 3 ngày nhưng bệnh vẫn chưa giảm; con trai nhỏ học lớp 2 mới bị ho, sốt sau khi đi học về. “Dẫn con đến phòng mạch gần nhà, bác sĩ chỉ kê kháng sinh nhưng cháu uống hoài chưa giảm”, chị Hạnh cho biết và chia sẻ có cho con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng bệnh viện quá tải, xếp hàng chờ đợi rất lâu, bác sĩ cũng chỉ định cho về nhà và uống thuốc.
Theo TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện bệnh viện vẫn đang bị quá tải bệnh nhi bị bệnh hô hấp, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Phần lớn bệnh nhi từ các tỉnh, thành khác chuyển đến sau khi điều trị ở địa phương không khỏi nên chuyển đến TPHCM trong điều kiện bệnh nặng hơn, có nhiều trường hợp phải thở máy.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện cũng tăng vọt và trước diễn biến thất thường của các bệnh do virus gây viêm đường hô hấp, bệnh viện đã thành lập khu vực điều trị riêng cho trẻ nhiễm Adenovirus dưới 3 tuổi và có gần 50% bệnh nhi suy hô hấp phải thở oxy, thở máy. Thống kê tại bệnh viện, từ đầu năm 2022 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó có 9 ca trẻ tử vong.
Trong khi đó, TS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết số trẻ đến khám và nhập viện liên tiếp tăng trong những tháng qua, trong đó chủ yếu là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn gặp các mặt bệnh hàng năm theo mùa như sốt xuất huyết, các nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, bệnh viêm não cấp tính. Hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 100-200 bệnh nhân đến khám, số trẻ nhập viện điều trị nội trú cũng tăng lên.
Theo các bác sĩ, trong các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ có tới 80% là do virus. Ở thời điểm này, ngoài những virus phổ biến theo mùa như cúm A, cúm B, RSV, Rhinovirus, Adenovirus… thì 2 tác nhân có thể gặp là virus cúm và Covid-19. Như vậy, cùng một lúc rất nhiều tác nhân gây bệnh lưu hành. Mặt khác, trong gần 3 năm dịch Covid-19 xảy ra, việc tiêm phòng cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng ít nhiều bị ảnh hưởng nên cũng là một trong những lý do khiến số trẻ bị bệnh tăng.
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, thực tế số ca trở nặng tăng cao trên toàn quốc, ghi nhận trên cả người lớn và trẻ nhỏ. Hiện nhiều dịch bệnh đã diễn biến trở nên phức tạp, không tuân theo mùa, ghi nhận nhiều ca tăng nặng, thời gian mắc bệnh kéo dài. Điều này được lý giải có nguyên nhân cộng hưởng do “nợ miễn dịch” sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong dịch Covid-19 trước đó.
Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang đã góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường. Mặc dù đem lại tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn tăng lên.
“Nợ miễn dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển miễn dịch của trẻ em, làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em trong thời kỳ hậu Covid-19”, PGS-TS Nguyễn Thị Diệu Thúy thông tin; đồng thời cho biết, suy giảm miễn dịch sau Covid-19 còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau nhiễm Covid-19 trẻ còn có nguy cơ bị nặng hơn khoảng 5%-15,5%.
Đồng quan điểm, TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho rằng, hiện TPHCM đang giao mùa, trời vẫn mưa nên nhiều người dân bị cảm cúm, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, việc phân biệt nhiễm siêu vi, cảm cúm và Covid-19 cũng khó, vì các bệnh này đều có thể mắc triệu chứng giống nhau ở đường hô hấp trên (hắt hơi, sổ mũi, đau họng) và sốt.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, hiện đang là mùa bệnh lý đường hô hấp nên người dân cần dùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, như vệ sinh tay, ho - hắt hơi phải che, người có triệu chứng đường hô hấp thì hạn chế đến nơi đông người, nếu đi thì mang khẩu trang. Trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 cần tự xét nghiệm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ (phụ nữ có thai, người già, suy giảm miễn dịch) để có biện pháp bảo vệ. |