Ngày 9-7, liên quan tới việc tại tỉnh Nghệ An và Bắc Giang vừa ghi nhận 2 ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong tại Nghệ An và nhiều trường nghi nhiễm do tiếp xúc gần với ca bệnh, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân.
Nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào. Tuy nhiên, những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, tại Việt Nam, trước đây bệnh bạch hầu lưu hành phổ biến nhưng từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, dịch bệnh nguy hiểm này đã được kiểm soát. Hằng năm chỉ ghi nhận các trường hợp mắc lẻ tẻ do không tiêm vaccine và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tuy số ca mắc không cao nhưng cũng không được chủ quan vì đây là dịch bệnh dễ lây lan. Nguy hiểm hơn, người mắc bạch hầu có thể bị các biến chứng, như: tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và tử vong.
Trong khi đó, liên quan tới ca mắc bệnh bạch hầu ở Bắc Giang là chị M.T.B. (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), qua giám sát dịch tễ cho thấy, ca bệnh này đã di chuyển tới nhiều địa điểm và có tiếp xúc nhiều người. Cụ thể, từ ngày 1-7 đến ngày 6-7, ngoài một số quán karaoke trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, thì chị B. có di chuyển đến quán karaoke 1990 (ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào khoảng từ 19 giờ 30 phút tới 23 giờ ngày 4-7.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu (ho, sốt, mọc hạch ở cổ, kéo giả mạc ở họng, amidan), bệnh nhân phải tới ngay cơ sở y tế để thăm khám.