Theo đó, ông Phạm Thành Đạt (76 Lê Công Kiều, tổ 26, khu phố 2, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), phản ánh ông chạy xe ôm truyền thống, đã 2 tháng nay không có thu nhập, không có tiền mua sữa cho con. Ông đã đăng ký với khu phố 2 từ một tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Đại diện UBND phường Nguyễn Thái Bình, cho biết gia đình ông Phạm Thành Đạt có người bị F0, đang phong tỏa. Hiện phường đã lập danh sách ông Đạt vào diện hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM đợt 2. Sau khi được cấp bổ sung ngân sách, phường sẽ tổ chức chi trả.
Tại quận 11, ông Lưu Quốc Khánh (102A, đường Hàn Hải Nguyên, phường 8), phản ánh ông làm nhân viên bán hàng không hợp đồng lao động đã nộp danh sách 2 lần cho địa phương nhưng không nhận được tiền hỗ trợ.
Theo UBND phường 8, ông Lưu Quốc Khánh là nhân viên bán hàng thuê của siêu thị, không thuộc 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Công văn 2209 của UBND TPHCM. Ông Khánh có đăng ký xin hỗ trợ trong nhóm 9 đối tượng ngoài 6 nhóm trên. Phường đã cập nhật lập danh sách trường hợp của ông. Tuy nhiên, 9 nhóm này đang trong giai đoạn đề xuất chờ chủ trương.
Một bạn đọc tại hẻm 391 Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Đông, quận 7) phản ánh, tuyến hẻm bị phong tỏa gần 2 tháng mà chưa được tháo dỡ. Trong khi khu vực chỉ có 1 nhánh hẻm nhỏ (là 391/81) có ca mắc Covid-19 mà địa phương chặn cả hẻm 391, làm ảnh hưởng đến các hộ dân khác.
Trả lời, ông Nguyễn Hùng Tín, Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông, cho biết, hẻm 391 Huỳnh Tấn Phát có 79 hộ dân (tính cả các phòng trọ). Ngày 8-7, quận 7 quyết định phong tỏa, cách ly y tế toàn phường Tân Thuận Đông để kiểm soát dịch bệnh. Đến ngày 2-8, quận 7 dỡ phong tỏa toàn phường, chỉ phong tỏa các điểm có nguy cơ đặc biệt cao và rất cao. Tuy nhiên, qua sàng lọc vào ngày 6-8, khu vực này vẫn có 4 ca F0 nên địa phương tiếp tục phong tỏa, vì vẫn còn nguy cơ đặc biệt cao. Rất mong người dân chia sẻ, chung tay với địa phương để kiểm soát dịch bệnh.