Quyết liệt phân cấp, phân quyền
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Nội vụ một số địa phương đề xuất cần có quy định để các địa phương được quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố phù hợp với thực tiễn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai Trần Quang Tú cho rằng, dự thảo nghị định cần quy định rõ số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số. Hiện nay, ở Đồng Nai, dân số có phường đã hơn 130.000 dân trong khi quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã không quá 45 người là không tương xứng với quy mô dân số thực tế và không đáp ứng yêu cầu công việc.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Ngô Quang Chiến bổ sung, dự thảo cần có quy định về việc tăng thêm cán bộ, công chức cho các địa phương có địa bàn rộng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là phải chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Đồng thời quyết liệt phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương. “Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, có xã chỉ cần 15 người nhưng có xã cần đến 30 người”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu thực tế và nhấn mạnh, nghị định mới hoàn toàn giao thẩm quyền cho các địa phương trong quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trung ương chỉ hậu kiểm, còn các địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác trình tự, thủ tục, đối tượng trên cơ sở nghị định đã ban hành.
Phải chế tài với người đứng đầu ngại đổi mới
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu dẫn chứng tình huống cán bộ có ý tưởng sáng tạo nhưng báo cáo xin ý kiến lãnh đạo lại không được phê duyệt. Vì vậy, cần có thêm quy định về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định ý tưởng đổi mới sáng tạo để làm căn cứ cho lãnh đạo đồng ý hoặc từ chối. Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Trí đề xuất phải chế tài với người đứng đầu, thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận khi cấp dưới đề xuất ý tưởng sáng tạo, đột phá.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, hiện có một bộ phận cán bộ có tâm lý giữ an toàn, làm sợ sai. Bộ Nội vụ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Dù vậy, hiện nay, trong quá trình xây dựng nghị định, đây là vấn đề mới, rất khó và chưa có tiền lệ, trong khi yêu cầu đặt ra là phải có nghị định này. “Khó mấy cũng phải làm cho bằng được, nhưng không cầu toàn mà sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện dần, có thể nâng lên thành văn bản pháp quy cao hơn, tạo hành lang pháp lý khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và thông tin thêm, dự kiến tháng 6-2023, Chính phủ ban hành nghị định này.
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin, hiện Sở Nội vụ TPHCM đánh giá có 33 đề án đăng ký đạt yêu cầu thực hiện theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Các đề án này sẽ được đưa ra tổ thẩm định lần nữa để trình UBND TPHCM phê duyệt thực hiện. Trước đó, Sở Nội vụ nhận được 92 đề án đăng ký từ các cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng qua đánh giá một số đề án chưa đáp ứng được yếu tố đột phá, dám nghĩ, dám làm.