Xung quanh nội dung này, chiều ngày 18-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân có cuộc trao đổi với báo chí.
* PHÓNG VIÊN: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả, tác động việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước mang lại trong thời gian qua?
* BỘ TRƯỞNG LÊ VĨNH TÂN: Một trong ba trọng tâm của công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 là nâng cao chất lượng dịch vụ công, với mục tiêu là đảm bảo trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế Một cửa, một cửa liên thông và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là một việc làm thể hiện Chính phủ, chính quyền phục vụ vì dân.
Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức không chỉ là một việc làm mới, khó mà còn nhạy cảm vì nó đòi hỏi Chính phủ, chính quyền dũng cảm lắng nghe ý kiến phê bình của người dân, tổ chức và người dân, tổ chức dũng cảm đưa ra những nhận xét thẳng thắn đối với Chính phủ, chính quyền. Kết quả đo lường sự hài lòng người dân, tổ chức trong thời gian qua cho thấy các nỗ lực CCHC, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức mà Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp triển khai đã mang lại những kết quả, tác động nhất định.
Kết quả, tác động đó không phải do chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước tự đánh giá như trước đây, mà là do người dân, tổ chức đánh giá và được lượng hóa qua các chỉ số.
Kết quả đo lường sự hài lòng cũng cho thấy các hạn chế còn tồn tại của chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước. Vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, bị trễ hẹn trả kết quả, không được cơ quan thông báo, xin lỗi về việc trả kết quả trễ hẹn…
Bên cạnh đó, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức còn phản ánh sự không đồng đều về chất lượng cung ứng dịch vụ công giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các cấp hành chính, giữa các lĩnh vực dịch vụ hay kết quả CCHC thiếu bền vững của các địa phương qua các năm.
Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức cũng như một hồi chuông gióng lên làm cán bộ, công chức, viên chức quan tâm, thay đổi nhận thức và hình thành văn hóa lấy người dân, tổ chức làm trung tâm, đáp ứng sự mong đợi ngày càng cao của người dân, tổ chức trong quá trình cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức.
* Bộ trưởng có thể chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của các bộ, các tỉnh và cần sớm được khắc phục trong năm 2020?
* Vẫn còn một số bộ chưa hoàn thành việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019 hoặc đã hoàn thành nhưng có một số nhiệm vụ còn hoàn thành muộn so với thời hạn được giao. Công tác cải cách thể chế còn một số hạn chế, bất cập, giá trị trung bình đạt thấp nhất trong 7 lĩnh vực đánh giá; năm 2019 còn một số bộ chưa hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt; kết quả khảo sát các đối tượng cũng đánh giá về chưa cao về tính đồng bộ, thống nhất và tính kịp thời của hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý của các bộ.
Bên cạnh đó, một số bộ chưa hoàn thành việc xử lý, trả lời các kiến nghị của địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ. Một số bộ vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC.
Đối với các địa phương, công tác chỉ đạo điều hành CCHC ở một số địa phương chưa hoàn thành 100% mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch năm đã đề ra; chưa xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra CCHC; chưa hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019. Tỷ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Qua đánh giá đã chỉ ra, còn tình trạng một số địa phương bố trí công chức, viên chức chưa đúng với vị trí việc làm đã phê duyệt hoặc chưa hoàn thành Đề án xác định vị trí việc làm theo quy định. Bên cạnh đó, năm 2019, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức tại một số tỉnh, thành phố.
Còn có địa phương không hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của thanh tra, kiểm toán về công tác tài chính - ngân sách; một số nơi chưa ban hành đầy đủ các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định. Nhiều địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo; một số địa phương có Cổng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp.
Việc này, căn cứ vào kết quả Chỉ số CCHC năm 2019, các bộ, các tỉnh cần chỉ đạo rà soát, phân tích kết quả thực hiện các nội dung CCHC, từ đó, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Các bộ, các tỉnh sớm ban hành các biện pháp khắc phục và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để triển khai nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính trong thời gian tới…
* Bộ trưởng có thể cho biết, vì sao Bộ Nội vụ chưa bao giờ đứng đầu, cũng chưa bao giờ đứng cuối bảng xếp hạng về cải cách hành chính, trong khi Bộ vừa là cơ quan thường trực của Chính phủ, vừa là cơ quan chủ trì về cải cách hành chính?
* Ông cha ta thường nói “Thợ rèn thì không có dao nhọn”, điều đó nói lên một sự thật hết sức khách quan. Tức là khi chúng ta đưa ra những lĩnh vực, những tiêu chí đánh giá thì phải đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch; không thể đưa ra những lĩnh vực, những tiêu chí đánh giá có lợi cho mình mà không có lợi cho người khác. Trong những năm qua, rõ ràng những lĩnh vực, những tiêu chí được đưa ra đánh giá đã đảm bảo sự công bằng, chứ không phải đưa ra những tiêu chí mà Bộ Nội vụ có mà các bộ, ngành không có hoặc Bộ Nội vụ mạnh mà bộ, ngành khác yếu.
Bộ tiêu chí này thực sự chưa phải đã đáp ứng được yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, cũng như từng địa phương. Năm 2019, Bộ Nội vụ đã điều chỉnh trong các lĩnh vực và các tiêu chí thành phần, tuy nhiên sẽ phải từng bước để có cách làm khoa học hơn nữa. Nếu chỉ số đo lường hoặc tiêu chí cung cấp dịch vụ công mức 3, mức 4 giữa TPHCM, TP Hà Nội với các tỉnh miền núi thì không thể lấy điểm chung để chấm điểm cho tất cả các lĩnh vực này được. Phải hoàn thiện bộ tiêu chí để đảm bảo một “sân chơi” có sự công bằng và sự đánh giá chính xác, công khai, minh bạch, hiệu quả.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.