Địa đàng xanh giữa non cao Tây Bắc

Những chuyến ngược xuôi Tây Bắc, tôi đã thấy trong mù sương non cao ẩn hiện những địa đàng xanh đẹp như bức tranh. Người dân nơi đây nỗ lực gìn giữ môi trường, giữ được rừng, giữ được tinh thần xanh và cuộc sống xanh.

Địa đàng xanh giữa non cao Tây Bắc

Lan thương hiệu Sin Suối Hồ

Sau hơn 10km từ TP Lai Châu lên đến xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) đường đẹp như phố, chúng tôi bắt đầu ngược chênh vênh thêm hơn 20km đường núi từ Thèn Sin lên Sin Suối Hồ, một bản nhỏ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Bản này nằm cuối dãy Hoàng Liên Sơn, đang được mệnh danh là “địa đàng Tây Bắc”.

Chúng tôi đã thảng thốt khi đặt chân đến cái bản nhỏ dưới chân Hoàng Liên Sơn và chứng kiến nơi này như một vườn địa lan khổng lồ. Loài địa lan rừng đặc hữu trên độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, mang vẻ đẹp kiều mị mà mạnh mẽ. Nhìn những chậu địa lan trổ hoa ngập lối đi trong bản, giữa những đám mây lờ lững quấn quýt, cảm nhận rõ địa lan ở Sin Suối Hồ mang vẻ đẹp mê hoặc lòng người. Đang dở tay chăm mấy khóm lan, trưởng bản Vàng A Chỉnh rôm rả chia sẻ những câu chuyện không ngớt về cách làm giàu từ lan của Sin Suối Hồ. “Mười mấy năm trước, đi nương chăm thảo quả, mình và Hảng A Xà thấy có mấy khóm lan mọc lẫn trong nương nên mang về trồng cho đẹp nhà thôi, ai dè lại làm nên chuyện”, Vàng A Chỉnh vào chuyện. Cái không ngờ của A Chỉnh là nhờ bón phân, chăm sóc, mấy nhành lan còi cọc ấy lên tốt tươi, trổ vòi hoa dài đến 60-80cm và khách du lịch truyền nhau tìm đến mua lan. Vườn địa lan cứ thế trải dài, nhân rộng khắp các khu vườn.

Dạo một vòng quanh Sin Suối Hồ, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi ở bản nhỏ rẻo cao này đã biết nương tựa vào thiên nhiên để làm đẹp. Những ngôi nhà được đưa vào làm du lịch theo mô hình homestay đều có cổng, ngõ xinh xắn làm từ vật liệu thân thiện. Và hẳn nhiên, những giò lan xinh xắn như hớp hồn khách du lịch. Tháng 2-2023, tại diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế ở thành phố Yogyakarta (Indonesia), điểm bản Sin Suối Hồ của Việt Nam đã được vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022.

“Nhân giống” cho Khun Há

Từ khi Sin Suối Hồ trở thành một “bản mẫu mực”, nhiều địa phương đã tìm đến, nghiên cứu, học hỏi để về xây dựng bản làng mình, trong đó có những bản làng của xã Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu).

anh-3-dia-dang-xanh-mua-hoa-to-day-o-mu-cang-chai-tran-trung-hieu-4545.jpg
Mùa hoa Tớ dày ở Mù Cang Chải. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Từ trung tâm xã Khun Há, qua quốc lộ 4D (cũ) rồi lên hai bản Lao Chải 1, Lao Chải 2 dài khoảng 10km, xe chúng tôi chạy qua các tuyến đường đã được bê tông. Các con dốc, cua ngoặt đã được hạ thấp, mở rộng nên ô tô vẫn lên đến độ cao gần 2.000m. Xe đi trong mây, đi trên mây và hai bên đường rực rỡ muôn sắc hoa được trồng dọc đường. Các nhà dân người Mông gắn số nhà, ghi tên và cả số điện thoại di động lên cổng. Dọc đường bản, đường vào nhà dân đều có các cột thép nhỏ dựng cao làm đèn thắp sáng và treo hoa, có các sọt, thùng đựng rác, có các biển đánh số đường ở những ngã ba ngã tư. Thi thoảng lại có những nhà vệ sinh công cộng ở bên đường, được dựng kín đáo dưới giàn hoa.

Bên sườn núi, với “view” trông sang đỉnh Fansipan quanh năm phủ mây trắng, người dân dựng những chòi nhỏ để mọi người có thể dừng chân, ngắm cảnh. Giữa 2 bản Lao Chải có hẳn một “trung tâm thương mại” với những dãy lán lợp cọ để người dân có thể trưng bày, mua bán các sản vật. Một sân khấu lớn để biểu diễn trong phiên chợ, hội hè. Khu ẩm thực với những bếp lò sẵn sàng nổi lửa nấu những món ăn đặc trưng của người Mông. Nhìn quang cảnh “phố Mông trên núi” ở Khun Há, bất giác chúng tôi đều ngẩn ngơ, ước mơ được ngồi ở những lán nhỏ trong cái se lạnh của chiều trên núi cao, nhấp ly rượu ngô thơm nồng cùng hương vị bùi ngậy của nồi thắng cố và ngắm mây vờn trên đỉnh Hoàng Liên…

Cứ A Chu, Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1, là người tiên phong trong việc trồng hoa địa lan, kể: “Ban đầu dân còn hoài nghi lắm, chưa tin lời cán bộ đâu. Cán bộ Thi đưa bà con xã mình đến Sin Suối Hồ bên huyện Phong Thổ học hỏi kinh nghiệm và mua lan về trồng thử. Ban đầu trồng ít mà hoa vẫn đẹp, có những chậu bán cho khách được cả chục triệu đồng. Rồi nhà mình cứ thế nhân lên đến nay có hàng trăm chậu địa lan, mỗi dịp tết cũng bán được 20-30 triệu đồng từ lan. Hiện có rất nhiều khách đến đặt mua và cả bản có hơn 40 hộ ai cũng trồng vài chục đến vài trăm chậu lan”.

“Cán bộ Thi” trong câu chuyện của Cứ A Chu chính là Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, Đỗ Trọng Thi, được tăng cường từ huyện về. Vốn là Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Tam Đường (sau khi làm cho Khun Há trở thành một “địa đàng” không thua kém Sin Suối Hồ, ông Thi được chuyển về huyện làm Trưởng Phòng VH-TT-DL của huyện Tam Đường), Khun Há thời điểm đó là xã khó khăn nhất Tam Đường. Chỉ là một xã, nhưng đi từ bản đầu xã đến bản cuối xã mất quãng đường chừng 40km đường núi, mùa mưa chỉ có cách cuốc bộ. Và Bí thư Thi khi về xã đã chọn điểm đột phá là vận động dân làm con đường. Đường bê tông hẳn hoi, để dù mùa mưa đến vẫn đi được xe máy. Xong con đường, Bí thư Thi tính đến chuyện làm điện, thắp sáng đường đi trong bản. Vẫn theo công thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

Để thuyết phục dân, Bí thư Thi triển khai cho các bí thư chi bộ, các thầy, cô giáo làm trước. Mấy tháng đầu về Khun Há, hầu như ông Đỗ Trọng Thi không về nhà ở huyện cùng vợ con, mà cứ thứ bảy, chủ nhật lại tổ chức lao động tình nguyện tại xã. Mọi người cùng xuống bản làm vệ sinh, trồng cây, dựng cổng chào, sửa đường, đổ bê tông. Người dân thấy cán bộ nhiệt tình giúp mình nên ai cũng cùng hết lòng tham gia. Bốn năm, từ ngày ông Thi về làm Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, giờ đây đường đến các thôn bản đều đã được bê tông hóa, ô tô, xe máy có thể dễ dàng đi lại kể cả vào mùa mưa. Giờ cả bản, nhà nào cũng đèn điện sáng trưng từ ngoài ngõ vào. Khun Há cũng trở thành điểm đến mơ ước của nhiều khách du lịch.

Tin cùng chuyên mục