Khu tưởng niệm những liệt sĩ quân dân y
Trên đường lên Đền tưởng niệm liệt sĩ quân dân y Sài Gòn - Gia Định, trở lại vùng đất thép Củ Chi, bà Lê Thị Vân, Chủ tịch Hội Quân dân y Sài Gòn - Gia Định - TPHCM (sau đây gọi tắt là Hội), nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phấn khởi: “Mong muốn của lớp thế hệ đi sau về dựng tượng anh Tư Trung tại khu tưởng niệm hôm nay đã thành hiện thực”. Với giọng tự hào, Chủ tịch Hội kể về người tiền nhiệm của mình: Sau 10 năm tu nghiệp, năm 1958, bác sĩ Dương Quang Trung (thường gọi với tên thân mật anh Tư Trung) đỗ đạt tiến sĩ y khoa, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực của Viện Hàn lâm quốc gia về phẫu thuật của Pháp. Năm 1960, theo tiếng gọi Tổ quốc, bác sĩ trở về Việt Nam, miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1965, bác sĩ vác ba lô quay lại chiến trường miền Nam. Ngày đất nước thống nhất, anh Tư Trung đảm nhiệm Giám đốc Sở Y tế và là Chủ tịch đầu tiên của Hội.
Mỗi người kể về bác sĩ Tư Trung với kỷ niệm riêng của mình, về những tình cảm, sự yêu thương. Câu chuyện Đại tá - bác sĩ Nguyễn Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện 115, người cùng vác ba lô trở lại miền Nam làm mọi người không khỏi xúc động. Ngày đó, điều kiện thiếu thốn đủ bề, những thầy thuốc cũng là người lính, lại còn mở trường đào tạo đội ngũ kế cận. Một lần, trận bom B52 bất ngờ rải thảm vào lớp học. Mọi người đều nghĩ lần này anh Tư Trung khó thoát. Khi tiếng bom dứt, mọi người chạy kiếm thấy anh Tư Trung còn sống. Thật bất ngờ, trong phút giây sinh tử ấy, có người học trò đã dùng thân mình nằm úp lên, che chắn bảo vệ cho thầy.
Nhiều tháng liền, lớp hậu bối đã kỳ công lựa chọn mẫu tượng và vận động các mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây dựng công trình tượng chân dung bác sĩ Dương Quang Trung để tưởng nhớ, tri ân người anh, người thầy của mình. Công trình tượng bác sĩ Dương Quang Trung được dựng trang trọng trong khuôn viên khu đền tưởng niệm là sự chung tay nhiều cá nhân, đơn vị.
Trong cái nắng gắt cuối tháng 7, bác sĩ Võ Thị Lan, phu nhân bác sĩ Dương Quang Trung, không giấu được niềm vui, tần ngần cùng con cháu chụp hình bên bức tượng người chồng thân yêu của mình...
Đền tưởng niệm liệt sĩ quân dân y nép mình bên tuyến đường vào Khu di tích địa đạo Củ Chi. Con đường thường xuyên tấp nập du khách vào ra tham quan. Bà Lê Thị Vân giới thiệu, ngay khi thành lập Hội, Chủ tịch Hội đã đề xuất xây dựng khu tưởng niệm những liệt sĩ quân dân y. Trạm tiền phương là nơi được mọi người chọn đặt đền. Khu tưởng niệm rộng trên 500m2, với công trình văn bia khắc tên 1.000 liệt sĩ và nhà truyền thống lưu giữ hàng trăm kỷ vật, tư liệu được xây dựng không lâu sau ngày thành lập Hội. Đền tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ mai sau. Điều trăn trở là hiện nay vẫn còn 2.000 liệt sĩ quân dân y chưa được khắc tên ở nơi này.
Bà Hồ Ngọc Cẩm, phu nhân nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, cùng dòng người đến thắp hương ở đền tưởng niệm, bùi ngùi chia sẻ với chúng tôi: “Riêng gia đình tôi cũng có 2 người thân nằm lại ở mảnh đất này”.
Những cựu tù Côn Đảo bất khuất
Ông Hai là cái tên thân mật mà những cựu tù Côn Đảo thường gọi khi nhắc đến ông Võ Văn Giáo (77 tuổi), Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Xuất thân từ một gia đình trí thức cách mạng ở xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, khi còn đang học nghề thầy thuốc đông y, chàng thanh niên trẻ Văn Giáo đã sớm được giác ngộ cách mạng qua những câu chuyện của 2 người dượng là chiến sĩ cộng sản. Năm 1965, anh Giáo tham gia cách mạng với cương vị là Trưởng ban Thông tin liên lạc của xã. Sau một thời gian hoạt động, anh bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Bữa đầu tiên là trận đòn nhập trại bằng dùi cui, cùi chỏ. Nhập trại được 3 ngày, tổ chức của ta trong tù đã giao cho anh trọng trách Đội trưởng Tổ cảm tử.
“Có lần bị đánh đau quá, nhiều anh em đánh lại những tên lính trật tự hạch sách và hung hăng nên bị trả thù bằng hình thức bị cấm tắm nước, cấm tắm nắng, đưa vào khu biệt lập. Thế nhưng khẩu hiệu “yêu cầu nhà cầm quyền mở của cho tù nhân được tắm nắng, tắm nước mỗi ngày 1 lần” vẫn lọt qua các khe sắt và vang lên mỗi ngày ở các chuồng cọp”, ông Giáo nhớ lại.
Cô Nguyễn Thị Hiền (64 tuổi) sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Ngay khi là học sinh lớp 6, cô đã tham gia tổ quân báo của địa phương với nhiệm vụ giao liên và tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. Năm 1971, cơ sở của ta bị lộ, cô bị bắt và bị đưa vào Trung tâm Cải huấn Quy Nhơn rồi đến Quân lao ở Nha Trang. Những tra tấn về thể xác và tinh thần không khai thác được gì từ cô nữ sinh gan dạ, năm 1972, địch đày cô Hiền tới nhà tù Côn Đảo. Đến cuối năm 1974 cô được đưa về trại giam Thủ Đức rồi 2 tháng sau thì được trả tự do.
Đại tá - dược sĩ Lê Hồng Thúy thắp nén hương, rồi lần tìm trên tấm bia tên đồng đội của mình. 1.000 liệt sĩ có tên tại Đền tưởng niệm liệt sĩ quân dân y Sài Gòn - Gia Định sinh ra ở mọi miền Tổ quốc. Nhiều liệt sĩ quê ở tận Cao Bằng, Quảng Ninh… hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tuổi xuân đã gửi lại ở mảnh đất Củ Chi anh hùng. Còn tại mảnh đất Côn Đảo, hòa bình lập lại, vì lời hứa với đồng đội đã hy sinh, gần 200 cựu tù tiếp tục ở lại góp sức xây dựng nơi đây. |
Năm 17 tuổi, ông La Minh Long (66 tuổi, quê Long Khánh, Đồng Nai) tham gia cách mạng và hoạt động trong Đội biệt động của thị xã Long Khánh với nhiệm vụ là trinh sát, nắm bắt tình hình quân địch. Trưa một ngày tháng 6-1972, sau trận đánh thuốc nổ chiếc xe Jeep của địch, ông Long bị bắt. Trải qua những trận tra tấn thừa sống thiếu chết ở trại giam của tỉnh trong 6 tháng đầu, rồi ông bị đưa lên trại giam Chí Hòa. Tại đây, do chế độ tù quá khắc nghiệt, ông tham gia phong trào tuyệt thực. Đến năm 1973, ông bị đày đi Côn Đảo. “Khi đó khoảng 2 giờ sáng có xe tải đến trại giam, từng người bị lôi ra và còng tay đưa lên xe rồi đưa đến bến Bạch Đằng. Ban đầu không biết đi đâu, nhưng khi nhìn thấy chiếc tàu há mồm thì biết mình bị đi đày ở Côn Đảo. Trước khi lên tàu có linh mục lẩm bẩm gì đó, nghĩ đi chuyến này là chết chứ không có đường về đất mẹ”, ông Long kể.
Ấn tượng đầu tiên khi đến cổng nhà giam khiến ông Long nhớ mãi là cú ném 2 người tù bị còng tay từ thùng của xe tải xuống cửa trại giam. Qua nhiều trận đòn roi, ông bị đưa lên núi đốn củi, quần áo bê bết máu, thể xác suy kiệt nên không thể làm việc và ông bị đưa vào buồng biệt giam. Thời gian trôi đi, khi nghe đất liền có tin quân giải phóng tiến sâu, lại nghe bọn lính trại tù họp và bàn tử thủ Côn Đảo, thủ tiêu tù nhân bằng súng, lựu đạn, mìn... khiến ai cũng lo lắng. Rất may chuyện thủ tiêu tù chính trị đã không xảy ra. Ngày 1-5-1975, nghe âm thanh vang khắp nhà tù, biết là đất nước đã giải phóng và chính tên trưởng trại tù từng đòi thủ tiêu tù nhân đến mở cửa buồng giam. Gặp được cán bộ, chiến sĩ của ta, ai nấy cũng xúc động, ôm nhau khóc nức nở. Được bế ra khỏi cánh cửa buồng giam với tấm thân chỉ còn da bọc xương nhưng đến tận 3 ngày sau ông Long vẫn không ăn được cơm bởi quá xúc động và cảm giác đó như thêm một lần ông được tái sinh...
Hơn chục năm sau, những chiến binh thép ấy lại về đất liền, người làm chuyên viên đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, người làm kiểm lâm và khi tuổi đã cao các ông trở về công tác ở các hội cựu tù của TP Vũng Tàu và của tỉnh. Hiện Hội Người tù kháng chiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 74 chi hội phường, xã, thị trấn với 983 hội viên. Và cứ mỗi dịp lễ 30-4, 2-9 là Hội Người tù kháng chiến tỉnh lại tổ chức gặp mặt, cùng nhau ôn lại truyền thống bất khuất trong nhà tù Côn Đảo và thăm hỏi, tặng quà cho các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn…