KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 _ 3-2-2020)

Địa chỉ đỏ giữa lòng Biên Hòa

Biên Hòa là một thành phố công nghiệp và là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng Đông Nam bộ và cũng là nơi có rất nhiều di tích liên quan đến các sự kiện lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Trong số đó có ngôi chùa cổ Bửu Hưng, một cơ sở cách mạng giữa lòng thành phố công nghiệp Biên Hòa, tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh.

Một huyền thoại bi tráng

Ni sư Diệu Minh trụ trì chùa Bửu Hưng kể, năm 1861, Pháp đánh chiếm và xây dựng chính quyền thuộc địa tại Biên Hòa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân đã đứng dậy chống lại kẻ thù dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải kể đến tổ chức hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại, được thành lập vào đầu thế kỷ XX. Lâm Trung trại có căn cứ tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu do nhiều nhân vật yêu nước, tinh thông võ nghệ như: Tư Hy, Tư Hổ, Ba Hầu, Hai Lực, Bảy Vạn, Bảy Đen... tổ chức, tập hợp nhân dân ngày đêm luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí để mưu cầu đại sự cho quê hương.

Địa chỉ đỏ giữa lòng Biên Hòa ảnh 1 Chùa Bửu Hưng, nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng bộ và nhân dân TP Biên Hòa
Tháng 6-1916, sau một thời gian chuẩn bị, Lâm Trung trại tổ chức tấn công vào các công sở của chính quyền thực dân ở Biên Hòa. Tuy nhiên, do vũ khí thô sơ, lực lượng không nhiều nên cuộc tấn công không giành được thắng lợi. Sau sự kiện này, quân Pháp tổ chức truy lùng và tìm bắt các vị chỉ huy của Lâm Trung trại. Thực dân Pháp đã xử bắn 9 lãnh đạo của Lâm Trung trại tại địa điểm Dốc Sỏi (xóm Bình Thành) và chôn xác họ chung một nấm mồ trước sự chứng kiến của người dân địa phương.

Cảm khái trước lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Lâm Trung trại, nhân dân địa phương xây dựng ngôi miếu thờ ở ngã ba Dốc Sỏi nhằm tưởng nhớ và thờ cúng linh hồn các tử sĩ. Đến năm 1920, miếu dời về vị trí đồi cao hơn cách vị trí cũ không xa và được người dân góp tiền của, công sức xây dựng thành ngôi chùa có tên gọi là chùa Cô Hồn để thờ Phật và các linh hồn xấu số không nơi thờ phụng. Sau đó, chùa Cô Hồn được vị sư tổ trụ trì đổi lại hiệu là Bửu Hưng.

Dấu mốc lịch sử

Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền, Bửu Hưng tự là một trong những địa điểm bí mật với nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Biên Hòa. Tại đây, vào tháng 6-1945 đã diễn ra Hội nghị Cán bộ Đảng nhằm đề ra phương hướng, kế hoạch, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa để tiến tới giành lấy chính quyền trong toàn tỉnh Đồng Nai. Thời gian họp vào lúc 19 giờ tối 3-6-1945. Dự cuộc họp có 8 đồng chí, tại một phòng nhỏ phía sau của chùa Bửu Hưng. Cuộc họp do đồng chí Hoàng Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa lúc bấy giờ, chủ trì, kéo dài khoảng 2 tiếng trong không khí bí mật, trang nghiêm. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền; thành lập Ủy ban Khởi nghĩa do đồng chí Hoàng Minh Châu đứng đầu để lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lấy chính quyền.

Đây là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa sau mấy chục năm bền bỉ chiến đấu chống ách thống trị của thực dân, phong kiến. Chính vì ý nghĩa to lớn đó, chùa Bửu Hưng đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 16-2-1979. Nối tiếp truyền thống, sau ngày giải phóng miền Nam (năm 1975), ni sư Diệu Minh đã cùng các ni giới, phật tử trong chùa tiếp tục phát huy hạnh nguyên “Tốt đời, đẹp đạo”, tích cực hoạt động từ thiện, quyên góp trợ giúp Hội Người mù, trẻ mồ côi, đồng bào bị thiên tai trong và ngoài tỉnh và được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, UBND phường Quang Vinh tặng nhiều danh hiệu.

Hàng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng tư, tháng bảy, chùa Bửu Hưng lại tổ chức lễ cầu an cho bá tánh và cầu siêu cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ theo nghi lễ Phật giáo cổ truyền phái Lục Hòa Tăng, thu hút đông đảo các phật tử gần xa và nhân dân địa phương về chiêm bái, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, biến nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tin cùng chuyên mục