Hơn 200 hiện vật về các loại ngọc, chia thành nhiều chủ đề trưng bày: đồ đựng ngũ cốc dùng trong tế lễ; đồ dùng trong việc thờ cúng như đỉnh trầm, lư hương; đồ văn phong tứ bảo như ống cắm bút, đồ đựng nước rửa bút… Đặc biệt, có nhóm hiện vật về ngọc là các bức trấn phong dùng trong thư phòng với nhiều đề tài trang trí về cảnh sinh hoạt thường nhật, điển tích xưa.
Đứng đầu trong “tứ đại quý”: ngọc - ngà - châu - báu, ngọc là khoáng chất quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên, được con người sử dụng từ thời đại đá mới cách nay khoảng 5.000 năm và có ý nghĩa quan trọng trong các nền văn minh cổ đại ở phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông, ngọc biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Không chỉ quý hiếm về chất liệu và vẻ đẹp, ngọc còn được tôn sùng vì những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, sự vĩnh cửu, thần bí và phúc lành.
Ấn tượng với nhóm trưng bày về các loại ngọc bội, có niên đại từ thế kỷ 18 và 19, anh Trần Hoàng Thành (43 tuổi, quận Tân Phú) chia sẻ: “Xem phim cổ trang, tôi có biết ngọc bội, nhưng đây là lần đầu được tận mắt xem ngọc bội bên ngoài. Tự thân miếng ngọc như có sẵn hoa văn chìm nổi trong đó, càng nhìn càng thấy hay”.
Trên cả nước, các loại ngọc quý được trưng bày khá ít, hiện các loại ngọc triều Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), bộ sưu tập cổ ngọc của Nam Phương Hoàng hậu tại Bảo tàng Lâm Đồng và Bảo tàng Lịch sử TPHCM lưu giữ cổ ngọc từ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai, một số cổ ngọc thời Nguyễn và Trung Quốc.
Nổi bật trong chuyên đề “Dáng ngọc” nhằm giới thiệu các cổ ngọc tiêu biểu, được lựa chọn từ hai bộ sưu tập lớn của bảo tàng là bộ sưu tập Victor Thomas Holbé và bộ sưu tập Dương Hà.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ, nổi bật trong chuyên đề “Dáng ngọc” là bộ sưu tập đá ngọc của Victor Thomas Holbé (1857-1927) sưu tầm vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là một trong những tiền đề cho việc hình thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào năm 1929, nay là Bảo tàng Lịch sử TPHCM.
Các loại cổ ngọc như chén ngọc chạm và lộng hình hoa sen hay hoa văn hình học chủ yếu là ngọc Trung Quốc có niên đại thế kỷ 18-19. Đây được xem là giai đoạn đỉnh cao của chế tác ngọc thời bấy giờ. Trải qua 95 năm, bộ sưu tập Holbé trở thành một phần của di sản văn hóa Việt Nam.