Đi về phía dân

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã gắn kết những người tham gia thực hiện chương trình từ mọi miền đất nước, chưa hoặc chỉ một lần gặp mặt nhau, chung một tấm lòng hướng về Trường Sơn, cùng nhau làm việc thật hiệu quả. Với thành viên ban tổ chức, có lẽ sẽ chẳng ai quên được những kỷ niệm trong hơn 4 năm thực hiện chương trình nhiều ý nghĩa này.
Đi về phía dân

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã gắn kết những người tham gia thực hiện chương trình từ mọi miền đất nước, chưa hoặc chỉ một lần gặp mặt nhau, chung một tấm lòng hướng về Trường Sơn, cùng nhau làm việc thật hiệu quả. Với thành viên ban tổ chức, có lẽ sẽ chẳng ai quên được những kỷ niệm trong hơn 4 năm thực hiện chương trình nhiều ý nghĩa này.

Đi về phía dân, chúng tôi đã gặp những mảnh đời khó khăn, bà con cảm ơn đến ứa nước mắt trước những hỗ trợ từ chương trình, bởi đó là sự giúp đỡ chí tình và hiệu quả. Những người thực hiện chương trình phải cảm ơn Nghĩa tình Trường Sơn đã cho chúng tôi được trải nghiệm trọn vẹn “nghĩa đồng bào” trong khó khăn…

“Em gái, ngồi yên nhé, đừng chống chân xuống đất, không là anh em mình rơi xuống sông mất”. Trong rất nhiều những chuyến đi dài ngày, đây là lần mà chị Việt Nga (chuyên viên Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn) nhớ nhất. Phía trước chị là lưng áo ướt đẫm mồ hôi của một anh biên phòng tên Quân. Con đường, một bên là núi sạt lở, đá ngổn ngang, một bên là vực và sông. Anh bộ đội lúc nhắc chị ngồi yên, lúc lại động viên: “Yên tâm, anh là tay lái lụa...”.

Con đường vào bản Xốp Phong (Mường Ải, Nghệ An) lầy lội, đường lổn nhổn đá tảng. Trước đó, những chiếc ô tô chở quà vào bản trót lọt bởi lúc ấy đường chưa sạt lở. Lần này, trên những con “chiến mã” được đích thân lính biên phòng chở đi, thành viên đoàn công tác ai cũng hồi hộp. Có đoạn bị sạt nặng, trên những khúc cây được đặt sẵn bắc qua những hố sâu hun hút, mọi người phải đẩy xe qua. Không cẩn trọng sẽ rơi xuống sông sát bên và những hố đất, hậu quả của trận sạt lở. Ấy vậy mà có lúc, chiếc xe rơi tuột xuống hố. Các anh lính lại tìm đường trở xuống, dùng tay không “địu” xe trên vai đưa lên. “Mất hơn 3 giờ với đoạn đường 45km, chúng tôi đã đến Xốp Phong. Tôi nhìn sang các thành viên khác rồi bật cười bởi ai cũng lấm lem đất đỏ, bùn đặc quánh bám chặt những đôi ủng nhựa…”, chị Việt Nga nhớ lại.

Đoàn cán bộ BTC Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP trên đường vào Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: VIỆT NGA

Đoàn cán bộ BTC Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP trên đường vào Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: VIỆT NGA

Năm 2010, Quảng Bình gánh trận lũ lớn nhất trong vòng 100 năm. Những cung đường về với Trường Sơn bị cô lập nặng nề. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã vận động các nhà tài trợ giúp đỡ đồng bào Trường Sơn ở các xã Sơn Trạch (Bố Trạch), mẫu giáo Quảng Long (Quảng Trạch), các xã ở miền núi Hà Tĩnh, Nghệ An. “Chúng tôi đã dầm mình trong mưa lũ, đi cả ngày đến với bà con để trao quà. Những cánh tay đưa lên nhận quà nhăn nheo, khắc khổ; những bàn tay chìa đến người dân vùng lũ, chia sẻ, ấm áp. Đó là những kỷ niệm mà tôi sẽ không thể quên suốt cuộc đời làm báo của mình”, phóng viên Minh Phong chia sẻ.

Với chị Thu Cúc (chuyên viên ban tổ chức), người thường xuyên kết nối với những địa phương nhận tài trợ từ chương trình, kỷ niệm luôn đầy ắp. Chị chia sẻ: “Tôi nhớ những lần, chúng tôi tranh cãi quyết liệt cùng các chuyên viên của VietinBank để cùng tìm ra phương thức triển khai công việc hiệu quả. Rồi dần dà mấy anh em cảm thông với nhau hơn, hỗ trợ nhau thật nhiều trong công việc dù chưa hề biết mặt, chưa biết tuổi tác của nhau, cũng chưa kịp hỏi thăm nhau về gia cảnh… Thỉnh thoảng, chúng tôi lại chia nhau niềm vui từ bức ảnh những ngôi nhà tình nghĩa mới hoàn thành; rồi có khi bùi ngùi trước trường hợp một vài cựu chiến binh bị bệnh mất khi chưa kịp nhìn thấy ngôi nhà tình nghĩa của mình được xây xong... Nhớ chiều 28 Tết Quý Tỵ, từ đầu dây xa xôi tận Thái Bình, giọng chị Tâm (Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Thái Bình) xúc động báo tin mấy căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn ở Thái Bình vừa được hoàn tất, kịp cho bà con có nhà mới đón giao thừa…”.

Một năm nữa sắp qua, những căn nhà cuối cùng thuộc gói tài trợ 600 căn nhà tình nghĩa của VietinBank đang được ráo riết hoàn thành. Cứ nghĩ đến sẽ có thêm những nụ cười trẻ thơ, bớt đi những ánh mắt lo âu của người lớn là những người thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn lại ấm lòng…

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục