Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vaccine sởi

UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong việc tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng để đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi, góp phần kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh.

Nhân viên y tế tiêm vaccine sởi cho trẻ
Nhân viên y tế tiêm vaccine sởi cho trẻ

Ngày 6-9, UBND TPHCM có văn bản gửi Sở Y tế, Sở GD-ĐT; Sở LĐ-TB-XH, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi trên địa bàn TPHCM năm 2024.

Theo đó, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn; ưu tiên rà soát và mời tiêm đối với trẻ tại các khu vực thường xuyên có biến động dân cư, các cơ sở bảo trợ xã hội; có thể triển khai nhiều điểm tiêm nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân với chiến dịch, sử dụng hiệu quả nguồn vaccine được cấp trong thời gian sớm nhất.

Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong việc tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng để đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi, góp phần kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh.

Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố, ấp và mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng) trên địa bàn chủ động phối hợp với trạm y tế rà soát, lập danh sách, thực hiện thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi đi tiêm chủng vaccine sởi - rubella (không phân biệt thường trú và tạm trú), tập trung vào nhóm trẻ gia đình, các trẻ ở các cơ sở trợ giúp xã hội.

Chỉ đạo phòng GD-ĐT, phòng LĐ-TB-XH phối hợp trung tâm y tế tổ chức các đợt tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn nhằm đảm bảo độ bao phủ vaccine sởi trong thời gian sớm nhất. Chỉ đạo Trung tâm y tế cập nhật thông tin tiêm chủng vào Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia ngay sau tiêm và trong ngày.

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về việc tổ chức giám sát trách nhiệm triển khai các hoạt động phòng chống dịch của UBND quận huyện, TP Thủ Đức và các sở, ban, ngành liên quan theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố.

Theo Sở Y tế, việc bùng phát dịch sởi không ngoài dự báo của ngành y tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khi tình trạng cung ứng vaccine sởi bị gián đoạn một thời gian trong năm 2023, nhất là kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng của Sở Y tế cho thấy tỷ lệ trẻ em có kháng thể chỉ ở mức 70% trở xuống (trong khi tỷ lệ này phải đạt 95% mới không xảy ra dịch).

Với diễn biến số ca mắc sởi liên tục tăng cao trong 3 tháng (tháng 5 đến tháng 8), ngày 27-8, Chủ tịch UBND TPHCM đã chính thức công bố dịch sởi toàn thành phố, đi kèm việc công bố này là ban hành Kế hoạch phòng chống dịch sởi đến tất cả UBND quận huyện, TP Thủ Đức. Kế hoạch này tập trung vào 2 nhóm hoạt động quan trọng: chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi làm tăng miễn dịch cộng đồng giúp sớm kiểm soát dịch và chiến dịch bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm hạn chế thấp nhất tử vong khi mắc sởi.

Tuy nhiên, đến hết ngày 29-8-2024, các địa phương báo cáo đã lập danh sách được 271.036 trẻ từ 1 tuổi - 5 tuổi, con số này chỉ tương đương khoảng 62% số trẻ của TPHCM có trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (437.412 trẻ). Việc tổng rà soát trẻ em trong thực tế đang sinh sống trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức mang ý nghĩa rất quan trọng cho sự thành công của chiến dịch tiêm vaccine sởi trong Kế hoạch phòng, chống dịch sởi, hiện có đến 17 quận, huyện chỉ mới rà soát được dưới 80% số trẻ trên hệ thống.

Những quận, huyện rà soát dưới 50% là Tân Bình (50%), Bình Thạnh (46,9%), Củ Chi (42,3%), Gò Vấp (33,5%). Ngoài ra, trong số 271.036 trẻ được lập danh sách có 54.861 trẻ chưa tiêm đủ mũi. Nhưng trong 5 ngày đầu của chiến dịch vừa qua, chỉ có 16.164 trẻ được tiêm chủng (đạt 29%). Đáng lo ngại hơn là các quận huyện đang có nhiều ca bệnh nhưng có tiến độ tiêm còn thấp như Bình Tân (10%), Thủ Đức (24%).

Tin cùng chuyên mục