Đi trong phố thu là tập tản văn thứ 3 của nhà báo Nguyễn Quang Hưng. Cuốn sách cho bạn đọc một góc nhìn khác- một điểm giao thoa giữa một nhà thơ và một nhà báo. Nhưng trên tất cả vẫn là một Nguyễn Quang Hưng yêu cái đẹp, dễ xúc cảm, dễ rung động và suy tư trước cái đẹp.
Đi trong phố thu có dung hòa của dòng chảy hoài niệm khi mình nhớ về tuổi thơ, khi mình nhớ về ký ức của mình trong đời sống chung của họ hàng, của cộng đồng ở cả phố và quê, cũng như nơi tác giả sống trực tiếp là Hà Đông. Không chỉ có những ký ức của riêng mình mà còn sống bằng cả những ký ức của những người thân trong gia đình.
Nguyễn Quang Hưng viết cũng lạ. Từng trang sách của Hưng dường như được chảy ra từ những suy nghĩ chất chứa nội tâm, viết như một nhu cầu tự thân của chính tác giả…bởi vậy, có những lúc người đọc cảm thấy hoang mang khi lạc giữa những miên man cảm nhận ấy Nếu tìm chất lãng mạn trong tản văn Đi trong phố thu thì có lẽ không nhiều nhưng mỗi trang sách đều như cuốn người đọc đi theo nó để được tận mắt chứng kiến những vòm đá rộng lớn trên phố Phùng Hưng, để nhập vào dòng người cuồng nhiệt hướng về hồ Gươm - trái tim của Hà Nội sau mỗi chiến thắng của đội tuyển bóng đá nước nhà… Và, cũng chính trong Phố của Hưng là những ô cửa giao mùa, là ký ức của những ngày xưa đầy yêu thương mà dung dị, là hương vị của cốm non đầu mùa ngòn ngọt, thơm mềm nơi đầu lưỡi…
Đi trong Phố thu cũng không có cái mềm mại ướp đầy hồi tưởng mà đó có thể là những câu chuyện mới xảy ra trong những ngày cả nước giãn cách bởi dịch bệnh.
Tác giả Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: Bằng sự trải nghiệm của bản thân thì tôi lắng mình vào đời sống của Hà Nội đang chuyển mình, trong nhịp chảy trôi rất là gấp gáp, rất là ồn ào, rất là xô bồ hiện nay, để mình thấy có rất nhiều những giá trị tốt đẹp của văn hóa, của con người, đạo đức, thiên nhiên, môi trường... mà mình phải giữ gìn và mình phải tiếp tục tái tạo và gây dựng nó. Tôi cũng dành nhiều suy tưởng để mơ ước chúng ta cần tạo dựng không gian văn hóa, giữ gìn những điều kiện tự nhiên tuyệt vời của Hà Nội chúng ta. Một Hà Nội mà rõ ràng không chỉ có phố phường, không chỉ có đô thị mà một không gian rất rộng của văn hóa, của thiên nhiên, của địa lý và những bản sắc văn hóa khác nhau của các vùng miền tụ về Hà Nội. Tôi thấy những điều đó rất quý giá và rất cần được lưu giữ, chắt lọc để làm nên những bản sắc con người Hà Nội mới.
MAI AN