Đi tìm xuất xứ của “ông Ba Mươi” (Thử lý giải về tên gọi “bầu cua cá cọp”)

1.

1. Trong bài tạp văn Hồn vía bài chòi đăng báo hồi năm ngoái, sau đó in vào cuốn tạp văn Thương nhớ Trà Long, nhân nhắc đến trò chơi “tôm cua bầu cá” ở miền Trung, tôi có tỏ ý ngạc nhiên về cách gọi “bầu cua cá cọp” của người miền Nam: “Tôi nhớ trò này chỉ có sáu hình vẽ: con cua, con nai, con tôm, con cá, con gà và trái bầu, không hiểu sao người miền Nam gọi là “bầu cua cá cọp”. Có thể ở nơi nào đó, người ta vẽ con cọp thay cho một trong những con vật quen thuộc kia mà tôi không biết chăng?”.

Về chuyện này, nhà thơ Lê Minh Quốc góp lời bàn: “Thử lý giải, cọp ở đây không phải con cọp mà chỉ là tiếng lóng. “Xem cọp”, “đọc cọp”, “chơi cọp” nghĩa là “ké” theo người khác. Nói như thế, vì trò chơi này thường đông trẻ con. Ai muốn đặt tiền vào ô có hình vẽ nào cũng được. Trong quá trình chơi, có người hên quá, trúng liên tục nên khi họ đặt tiền vào ô nào, những người chơi chung quanh cũng đặt “cọp” theo. Do đó, con cọp mới có dịp nhảy xổm vào và trở thành “danh chính ngôn thuận” với tư cách “chính chủ”!”.

Nhưng rồi chính Lê Minh Quốc cũng thấy cách lý giải đó không ổn: “Ủa, nếu “cọp” là tiếng lóng thì tại sao người miền Trung không gọi “bầu cua cá cọp” mà lại là “tôm cua bầu cá”? Nếu ai đó hỏi thế, biết trả lời thế nào?”.

2. Nghi vấn này tôi nêu ra rồi cũng bỏ lửng lơ, vì chẳng biết con cọp trong cụm từ “bầu cua cá cọp” rốt cuộc là ở đâu ra. Gần đây rảnh rỗi, lên mạng lục tới lục lui, mới biết “chú cọp” này rất có thể đến từ Thái Lan. (Cũng biết thêm một điều: Trò này tưởng người châu Á mới chơi hóa ra là trò chơi thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới).

Từ điển Wikipedia cho biết: Người Trung Quốc gọi trò chơi này là Hoo Hey How (gồm các hình vẽ: trái bầu, con cua, con cá, con gà, con tôm, đồng xu). Người châu Âu gọi là Crown and Anchor (gồm: cái vương miện, cái mỏ neo, con cơ, con rô, con chuồn, con bích). Trò chơi của người Thái Lan có sáu hình vẽ: con cua, con cọp, con tôm, con cá, con gà và trái bầu.

Tóm lại, tuy phương Đông và phương Tây có cách chơi tương tự nhưng chỉ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan là có nhiều hình vẽ giống nhau nhất. Trong sáu hình trên bàn bầu cua, ba nước châu Á giống nhau đến năm hình. Riêng hình vẽ con nai của Việt Nam, ở Trung Quốc người ta vẽ đồng tiền, còn người Thái Lan vẽ con cọp.

3. Về từ “cọp”, ngoài cách thử đặt vấn đề của Lê Minh Quốc, cũng có những cách giải thích khác: 1) “Bầu cua cá cọp” nghe vần và xuôi tai hơn. 2) Do đọc trại chữ “cọc” (ám chỉ con nai = sừng nai biểu tượng cho linga) thành “cọp”. 3) Nhiều người nhầm bầu cua Việt Nam với Thái Lan.

Cách giải thích thứ ba nghe ra hợp lý nhất. Nhưng theo tôi nghĩ, cách gọi “bầu cua cá cọp” không phải do nhầm lẫn.

Có thể trước 1975 ở miền Nam, đồ chơi “bầu cua cá cọp” chủ yếu do người Hoa ở Chợ Lớn sản xuất, nhưng khả năng trò này du nhập vào nước ta đầu tiên theo ngả Thái Lan là rất cao. Do gần gũi về mặt địa lý, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Xiêm (tên cũ của Thái Lan) có từ lâu đời, hàng hóa sản vật trao qua đổi lại phong phú đến mức ở miền Nam bây giờ vẫn tồn tại những tên gọi: dừa Xiêm, vịt Xiêm, mãng cầu Xiêm... Do vậy, nếu cho rằng trò chơi “bầu cua cá cọp” theo các thương lái người Thái du nhập vào Việt Nam thì đó không phải là một suy diễn vô căn cứ.

4. Tới đây lại xuất hiện một thắc mắc khác: Tại sao tên gọi “bầu cua cá cọp” vẫn còn nhưng hình vẽ con cọp trên bàn bầu cua lại biến mất? Chỗ này lại phải suy đoán. Con cọp trong tâm thức người Việt là con vật tượng trưng cho sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn, thành đạt. Không ít người sinh năm Dần được cha mẹ đặt tên theo con giáp một cách tự hào. Trong những người nổi tiếng, có thể kể: học giả Phan Văn Hùm (sinh năm 1902 - Nhâm Dần), nhà thơ Trần Dần (1926 - Bính Dần), nhà thơ Phạm Hổ (1926 - Bính Dần). Đặc biệt ở miền Nam, suốt chiều dài lịch sử khẩn hoang con người phải thường xuyên đối đầu và đánh nhau với cọp, nhưng trước sức mạnh siêu hạng của loài thú này, con người vẫn e dè, thoạt đầu là kinh sợ, sau đến kính sợ. Nhiều miếu thờ thần hổ ra đời. Vô số tranh cọp được vẽ ở các đình làng. Người ta “kỵ húy” cọp, gọi cọp bằng “Sơn quân chi thần”, “Sơn lâm đại tướng quân”... , dân dã thì gọi là “ông Ba Mươi”, “ông Mãnh”, “ông Cả”...

Kiêng kỵ cọp như vậy cho nên không ai dám để “ông cọp” ngồi chình ình trong bàn bầu cua, đành quyết định thay ông mãnh dữ tợn đó bằng chú nai hiền lành, ngơ ngác, “đạp trên lá vàng khô” cho lành. Chắc thế!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục