Nhật Bản là đất nước của tinh thần duy mỹ. Người Nhật sống hết mình với hoạt động sáng tạo, thưởng thức, trân trọng và bảo tồn cái đẹp. Thế nên lịch sử văn hóa Nhật Bản là một tiến trình dài với rất nhiều thành tựu thuộc về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Văn chương cũng là một lĩnh vực sáng tác nghệ thuật hòa trong dòng chảy đó.
Là một bộ phận của văn hóa, đồng thời là sản phẩm được tạo nên từ tinh thần duy mỹ của người Nhật, văn học Nhật Bản cần được hiểu trong sự gắn kết với cảm thức thẩm mỹ và những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống. Đó là điều quan trọng, nhưng đối với độc giả sinh trưởng bên ngoài không gian văn hóa đã hình thành nền văn học ấy thì việc thực hiện không đơn giản.
Bên cạnh đó, vì cái đẹp trong văn chương Nhật Bản gắn với sự vô thường của thế giới, sự mong manh của kiếp người nên thường phảng phất nét buồn và tâm thái trầm tư. Đó là một đặc trưng quan trọng tồn tại xuyên suốt tiến trình lâu dài của lịch sử văn học Nhật Bản. Đặc trưng này biểu hiện ở nhiều sắc độ khác nhau trong nhiều giai đoạn, nhiều loại hình văn chương từ waka truyền thống, Truyện Genji đến những sáng tác của nhiều nhà văn hiện đại và đương đại.
Nếu nói về giao lưu văn hóa, thì việc thưởng thức món ăn theo kiểu Nhật, hay thử mặc trang phục truyền thống của người Nhật, xem nghệ nhân Nhật Bản cắm hoa, pha trà, làm bánh… là những cách thưởng thức vẻ đẹp Nhật Bản dễ dàng hơn rất nhiều so với đọc văn chương, đặc biệt là đọc văn học cổ điển.
Nhưng mặt khác, nếu hiểu “vẻ đẹp” theo nghĩa rộng, tức là những giá trị tinh hoa của văn hóa tư tưởng Nhật Bản, thì những hoạt động giao lưu nói trên chỉ có thể giới thiệu đến người tham gia những biểu hiện ở mức độ đơn giản của vẻ đẹp ấy, theo chiều hướng và trong phạm vi phù hợp với tình huống diễn ra hoạt động giao lưu.
Trong khi đó, đọc văn chương ở mức độ sâu rộng sẽ giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện, đa chiều về văn hóa Nhật Bản.
Những bài viết trong cuốn sách Văn học Nhật Bản - vẻ đẹp mong manh và bất tận là kết quả của một quá trình tìm kiếm vẻ đẹp trong văn học Nhật Bản theo ý nghĩa như vậy.
Vẻ đẹp đằng sau những dòng chữ không dễ thấy, dễ cảm như “Đám mây” anh đào trong lễ hội thưởng hoa. Nhưng với độc giả đủ kiên trì, đủ nặng lòng để đi tìm tinh hoa văn hóa Nhật Bản trên trang viết, vượt qua nhiều khúc ngoặt của ngôn từ ảo diệu và cảm thức thâm u, thì niềm vui phát hiện vẻ đẹp sẽ là món quà xứng đáng.
Vẻ đẹp ấy mong manh vì nó giống như sinh mệnh tồn tại trong đời, chênh vênh giữa hai miền sáng tối, giữa thực tại nghiệt ngã và mộng ước thanh cao, giữa nhịp sống xô bồ và cái tâm tĩnh lặng.
Nhưng điều thú vị là xuyên suốt chiều dài lịch sử, vẻ đẹp mong manh ấy vẫn là cái hồn của thế giới văn chương, là chiếc cầu nối từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại, vẫn là làn hương tinh tế đón chào lữ khách đã chấp nhận cuộc hành trình vất vả để tìm đúng bông hoa.