LTS: Thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), theo đánh giá, thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở TPHCM đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả trên nhiều mặt công tác. Trong thực hiện văn hóa công sở đã có những tiến bộ rõ rệt về phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, hiện đại hơn… Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của PV Báo SGGP cho thấy vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan hành chính của TPHCM. Nhiều nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào nền nếp. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế làm việc, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, thiếu tôn trọng dân, gây bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp… Bắt đầu từ số báo hôm nay, Báo SGGP khởi đăng loạt bài: “Đi tìm văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ”, phản ánh những mặt chưa tốt, những bất cập gây cản trở đến các hoạt động, giao dịch của công dân, tổ chức và doanh nghiệp tại các cơ quan hành chính Nhà nước. |
Công sở là kho chứa tang vật
Đến UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), đi một vòng khuôn viên trụ sở khá rộng, nhưng chúng tôi thấy chỗ nào cũng chất đầy xe gắn máy là tang vật thu giữ của người vi phạm giao thông. Có đến hàng trăm chiếc xe cũ, hư hỏng nằm dựng ngổn ngang dọc các lối đi, đầu hồi các dãy nhà, thậm chí vào tận bên trong khu làm việc. Đâu đâu cũng chất đầy xe cộ hư hỏng, sắt thép, bảng hiệu quán ăn, bàn ghế cũ, phế liệu, rác thải, có nơi bốc mùi hôi thối, dầu nhớt đổ vương vãi. Một số khu vực chứa xe tang vật còn dựng lên các tấm bảng cảnh báo: “Khu vực cấm quay phim, chụp ảnh, không phận sự cấm vào”, “UBND xã Vĩnh Lộc A - Không phận sự cấm vào”…
Tình trạng trên chúng tôi cũng bắt gặp tương tự tại trụ sở UBND các xã ngoại thành của huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Tại xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn), phần lớn khuôn viên khá rộng của trụ sở UBND xã được dùng để chứa xe tang vật và bàn ghế hư cũ, vật dụng phế thải.
Một cán bộ Công an xã Trung Chánh nói: “Toàn là xe không giấy tờ đưa về đây cả chục năm nay rồi. Phần lớn đã hư hỏng, thành đống sắt vụn. Xã cũng không biết xử lý sao với số xe tang vật này”.
Tại trụ sở UBND xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), ngay phía cổng chính ra vào cũng là bãi xe tang vật chất dựng đầy sân. Khu vực này còn có mấy chiếc xe tải cũ hư, máy trộn bê tông chất ngổn ngang. Đi một vòng phía sau các dãy nhà làm việc, chúng tôi thấy chỗ nào cũng rác thải, vật liệu hư cũ, bàn ghế, bảng hiệu… chất đầy lối đi. Phía trước dãy nhà chính là các bảng niêm yết hồ sơ, giấy tờ thông báo đã cũ rách, treo trong tủ kính lâu ngày không được thay thế bằng những văn bản, thông báo mới. Phía trong khu vực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính khá rộng, nhưng bàn ghế sắp xếp thiếu ngăn nắp, các thùng rác để ngay gần cửa ra vào, rác, giấy vụn vương vãi khắp nơi… Khung cảnh trên tạo cảm giác khó chịu, kém văn minh cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại trụ sở một số cơ quan hành chính khu vực trung tâm thành phố cũng nhếch nhác không kém. Điển hình là tại trụ sở UBND phường Bến Nghé (quận 1) với cảnh tượng không nghĩ đây lại là trụ sở của một cơ quan hành chính. Toàn bộ khuôn viên khu nhà làm việc chính là nơi chứa bàn ghế hư cũ, bảng hiệu quảng cáo, vật dụng phế thải và rác. Ngay tại gầm cầu thang từ dưới hầm lên lầu 1 cũng là nơi chứa rác và vật dụng phế thải, giấy báo cũ. Phía bên hông khu nhà là các thùng rác, tô chén bẩn ăn xong vứt ra bừa bãi…
Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều trụ sở cơ quan hành chính các quận trung tâm là tình trạng mặt bằng chật hẹp, không có nơi để xe cho cán bộ, công chức của cơ quan đó và người dân tới giao dịch. Tại trụ sở UBND các phường Đa Kao, Tân Định, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình (quận 1), phường 4, 10 (quận 10), phường 4, 9 (quận 5)…, xe gắn máy dựng khắp nơi, bất kể chỗ nào có thể. Nhiều người dân đến giao dịch tại các cơ quan hành chính này phải gửi xe ở bên ngoài, hoặc dựng trên vỉa hè, lòng đường.
Giờ giấc tùy tiện, xưng hô thoải mái
Đến UBND xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) lúc 7 giờ 45 ngày 3-7, các phòng làm việc lác đác công chức ngồi vào vị trí làm việc (giờ làm việc theo quy định từ 7 giờ 30). Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính có một nữ nhân viên ở quầy chứng thực sao y đang thu xếp giấy tờ.
“Hôm nay cán bộ địa chính có làm việc không ạ?”, chúng tôi hỏi nữ nhân viên này.
“Có chứ, nhưng chờ chút nữa mới tới”.
7 giờ 50, chúng tôi đi vòng ra phía sau trụ sở thấy nhóm 5, 6 công chức đang còn ăn sáng, uống cà phê và hàn huyên chuyện phiếm.
8 giờ 15, các vị trí làm việc đã đến đầy đủ, trong khi nhiều người dân đến đây từ rất sớm, bấm số thứ tự, chờ làm các thủ tục hành chính.
9 giờ ngày 8-7, chúng tôi đến UBND phường Bến Nghé (quận 1), thấy bàn hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến không có nhân viên nào trực, chúng tôi hỏi nữ nhân viên phía trong quầy: “Có ai hướng dẫn thủ tục không chị ơi?”
- “Có đấy bố ạ, bố cứ ngồi chờ đấy con đi kêu cho bố(!?)”.
Chờ khoảng 5 phút thì có một nam nhân viên từ phía trong đi ra, hỏi: “Bác cần gì ạ?”.
hấy nhân viên này không đeo bảng tên, chúng tôi hỏi lại: “Anh làm gì ở đây?”
- “Cháu làm Bí thư Đoàn phường”.
15 giờ 30 ngày 9-7, chúng tôi đến UBND phường 9 (quận 5), ngay cửa ra vào có một nhân viên trông giữ xe đang mải miết lướt web trên ipad, mặc ai đến muốn để xe ở đâu thì để. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính chỉ có 2 nhân viên ngồi trực, trả lời khi có người dân hỏi về việc gì đó.
“Cán bộ hộ tịch chiều nay có làm việc không ạ?”, chúng tôi hỏi.
Một nữ nhân viên quầy phía trong chạy ra hỏi lại: “Chú có việc gì thế?”
- “Tôi cần làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân”
- “Cán bộ tư pháp đang bận việc bên ngoài, chú cứ hỏi, cháu trả lời thay được”.
Quay qua cô gái ngồi chờ dưới hàng ghế, tôi hỏi: “Cô cũng chờ làm giấy tờ tư pháp à?”
- “Không cháu chứng thực sao y, mà chờ nãy giờ 1 tiếng rưỡi rồi chưa xong”
- “Họ nói chừng nào xong?”
- “Cũng sắp rồi”.
Ngoài ra, trong quá trình đi thực tế tại các cơ quan hành chính, chúng tôi thấy phần lớn cán bộ, công chức, viên chức không đeo bảng tên theo quy định tại vị trí làm việc và khi tiếp xúc, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Có công chức đang tiếp xúc với chúng tôi, nhưng khi hỏi tên gì thì không trả lời, quay mặt bỏ đi.
Trích 14 tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị đạt văn hóa - Tiêu chuẩn 3: Thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, niêm yết công khai các quy trình hướng dẫn thủ tục hành chính; cán bộ, công chức, viên chức đeo bảng tên, trang phục gọn gàng, lịch sự, tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ nhanh gọn… - Tiêu chuẩn 8: Không uống và có mùi rượu, bia trong giờ làm việc, không hút thuốc lá tại phòng làm việc. - Tiêu chuẩn 12: Phòng làm việc ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp; không xả rác bừa bãi, có giỏ rác trong khuôn viên và trong phòng làm việc; nhà vệ sinh sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường. - Tiêu chuẩn 13: Có nơi để xe khách, xe nội bộ nền nếp, trật tự… |