Đi tìm sự thật từ những mẫu xét nghiệm ADN

VĂN PHÚC HẬU
Đi tìm sự thật từ những mẫu xét nghiệm ADN

Thời gian gần đây, rất nhiều người dân từ cả 3 miền tìm về Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (thuộc Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam) lấy mẫu xét nghiệm ADN của cha-mẹ-con hoặc anh-em… để xác định một sự thật: cùng hay không cùng huyết thống? Quanh chuyện AND là nhiều cảnh đời…

  • Đâu là sự thật?
Đi tìm sự thật từ những mẫu xét nghiệm ADN ảnh 1

Giáo sư Lê Đình Lương (bìa phải) với các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị về ADN và di truyền học.

Giáo sư Lê Đình Lương, người sáng lập Trung tâm Phân tích AND và công nghệ di truyền, mời tôi vào căn nhà nhỏ nằm trong khu tập thể Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Trong căn phòng bài trí như một phòng khám đa khoa, 1 người đàn ông chừng 30 tuổi dẫn theo đứa trẻ 3 tuổi cũng vừa thập thò bước vào. Anh ta ngồi xuống, ngập ngừng rút chứng minh thư cùng lá đơn đặt lên bàn.

Ông Lương đọc đơn rồi hỏi: “Anh cần xét nghiệm ADN để biết cháu bé này có phải là con của chính anh?”. Anh ta gật đầu, gương mặt lộ vẻ dằn vặt. Mãi sau, anh mới nói: “Thưa giáo sư, tôi trốn vợ tôi đến đây. Xin giáo sư giữ bí mật cho. Và xin cho tôi một kết quả chính xác, để tôi biết đây có đúng là con của tôi không? Lý do là trong thời gian chúng tôi chuẩn bị cưới nhau, vợ tôi vẫn quan hệ với người yêu cũ. Cuộc sống của gia đình tôi những năm qua vô cùng khủng khiếp”…

Câu chuyện của anh ta còn kéo dài cho đến khi trời tối hẳn. 2 cha con người khách lủi thủi ra về, trên tay cầm tờ giấy hẹn 10 ngày sau quay lại nhận kết quả.

Ông nhìn theo họ như rớm lệ. Bởi ông hiểu rằng những việc ông làm không hề đơn giản!

Hôm sau, ông Lương mời tôi đến một địa chỉ bí mật nằm ở trung tâm quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi mẫu tế bào của cha con người đàn ông trên sẽ được 7 nhân viên xử lý trong phòng phân tích, xét nghiệm để có kết quả xác thực 100%.

Dẫn tôi sang phòng xử lý mẫu vật, ông bước tới sát 2 chiếc máy PCR đặt sát mép tường, bảo: “PCR là máy khuếch đại AND đặc hiệu, loại mới nhất chúng tôi vừa trang bị được”. Chỉ cần chiếc máy PCR nhỏ gọn này là có thể “lọc” được đoạn gen cần chọn.

Ông nhẹ tay bấm nút, nắp máy bật lên. Bên trong, 96 phễu nhựa nhỏ như ngón tay trẻ em, sắp thành hàng đều. Rút một phễu ra, ông nói, các mẫu ADN của “thân chủ” sau khi tách chiết sẽ được thả vào từng phễu nhựa như vậy. Mỗi cặp mẫu để xét nghiệm phải gồm 2-3 mẫu: cha-mẹ-con hoặc cha (mẹ)-con. Chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, máy đã có thể cho ra kết quả. Tuy nhiên, ông bảo: “Tôi phải hẹn khách 10 ngày mới đưa kết quả, một phần vì số mẫu cần xét nghiệm hiện nay rất nhiều. Phần vì những mẫu ADN cho kết quả con không cùng chung huyết thống với bố hoặc mẹ thì phải làm đi làm lại nhiều lần để mình thực sự tin rằng mình không nhầm lẫn”.

Trong suốt quá trình máy chạy, các đoạn gen của thân chủ sẽ được nhân lên rất nhanh. Nhờ quá trình điện di, “thông tin” trên từng đoạn gen đã chọn sẽ được “đọc” và chuyển sang quy trình nhuộm ADN. Hình ảnh về các đoạn gen, cấu trúc ADN được in trên giấy để thẩm tra, so sánh được gọi là các bản “gel”. Các đoạn ADN dài ngắn khác nhau hiện rõ trên các bản “gel”, có thể phân biệt được bằng mắt thường. Theo đó, có thể biết một cách hoàn toàn chính xác đứa con là “sản phẩm” của cha và mẹ, hoặc chỉ của cha, hoặc chỉ của mẹ, hoặc không của cả 2 người, theo nguyên lý của ADN và di truyền học!

Ông Lương cho rằng, các bản “gel” là bằng chứng xác tín của sự thật mà không gì có thể phủ nhận được.

Chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, trên bộ phận nhuộm ADN, bản “gel” của cha con chàng thanh niên hôm trước đã hiện rõ như một tấm phim vừa được tráng rửa. Hai cột ADN xếp song song với 2 vạch hồng thẳng hàng nhau. “Như thế, chứng tỏ đứa trẻ này là con trai của anh ta”- ông Lương chỉ vào vạch hồng và kết luận.

Tôi hỏi lại: “Nhưng nếu hai vạch hồng không thẳng hàng, đứa trẻ không phải là con đẻ của người cha thì ông có dám nói thật cho họ biết không?”. Ông liền chỉ lên xấp bản “gel” chưa ráo mực, treo ngang đầu chúng tôi, vừa lật từng trang vừa thuyết minh: “Đây, kết quả này đã khẳng định đứa con này không phải là con đẻ của ông bố này, một giám đốc công ty tư nhân ở TPHCM vừa bay ra đây để gặp tôi. Còn đây, vạch hồng thứ 3 này không thẳng hàng với cả vạch hồng thứ 1 và 2. Nó chứng tỏ đứa trẻ này không phải là con đẻ của cả bố lẫn mẹ, một cặp gia đình ở Hà Nội”.

Nhưng, ông khẳng định, “dù kết quả như thế nào, tôi vẫn phải nói cho họ sự thật. Bởi vì, thứ nhất, tôi có bổn phận cho họ biết sự thật. Khoa học là để nói lên sự thật. Thứ hai, sự thật thì không che giấu mãi được. Đối mặt với sự không thật nhiều khi còn để lại những hậu quả đau đớn hơn. Thậm chí, nếu tôi nói dối, tôi không những đã vi phạm pháp luật mà còn làm trái cả đạo đức nữa”.

  • 1.001 chuyện đời quanh “mật mã” ADN

Chúng tôi trở về phòng làm việc của ông Lương. Ông bảo, thời gian gần đây, cả 2 máy PCR phải hoạt động suốt 24 tiếng đồng hồ. Lý do, số thân chủ tìm đến dịch vụ ADN ngày càng đông hơn. Trung bình mỗi ngày trung tâm này phải thực hiện 1 ca xét nghiệm ADN. Trong đó, phần lớn thân chủ là nam. Phần lớn đều cho kết quả cha và con cùng một huyết thống. “Điều đó chứng tỏ một sự thực, hiện đang có nhiều người chồng nghi oan cho vợ của họ”. Tất nhiên, ông tiết lộ, cứ 100 ca thì cũng có khoảng 15-20 ca cho kết quả cha và con không cùng huyết thống.

GS-TS Lê Đình Lương: Bằng tiến sĩ năm 1977 tại Đại học Tổng hợp Leningrad (Liên Xô cũ), được phong giáo sư năm 1992. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Công nghệ sinh học, Ủy viên Ủy ban Đạo đức sinh học quốc tế IBC (UNESCO).

Rút trong tủ ra một tập hồ sơ, ông kể: “17 năm qua, trực tiếp đón nhận và xét nghiệm ADN cho hàng trăm người, tôi mới vỡ lẽ ra rằng xã hội hiện đại của chúng ta đang nảy sinh những mối quan hệ thật phức tạp. Cứ mỗi một ca xét nghiệm, tôi lại sưu tầm được một chuyện đời éo le ngang trái, nhiều khi không cầm được nước mắt, có thể viết thành một tập truyện với 1.001 chuyện đời”. Ông cho hay, dự kiến đến cuối năm 2006, ông sẽ gom đủ 1.001 chuyện đời như vậy.

Có nhiều lý do, cảnh ngộ buộc người ta phải tìm tới trung tâm của ông để xét nghiệm. Chẳng hạn, theo yêu cầu của tòa án. Hoặc trong chiến tranh, anh em, cha mẹ, con cái, ông cháu… phân ly, thất lạc. Bây giờ gặp lại mà không dám chắc có phải cùng chung huyết thống, ruột rà. Cũng trong chiến tranh, một số lính Mỹ, Pháp, Nhật… đã từng để lại những đứa con hoang ở Việt Nam. Nay, họ cần tìm lại dòng máu của họ.

Khách hàng của ông còn có cả những lái xe đường dài, giám đốc công ty và một số quan chức. “Các vị giám đốc thỉnh thoảng lại bị thư ký đem con tới bắt vạ. Không ai có thể khẳng định chắc chắn đứa con là “hậu quả” của vị giám đốc ấy, ngoại trừ mật mã ADN” - ông nói.

Ông đã từng chứng kiến cảnh nhiều vị “sếp” ở Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Vũng Tàu, TPHCM… thốt lên: “Thế là tôi phải nuôi đứa trẻ ranh này ư?” sau khi có kết quả “cùng huyết thống”. Đó cũng là lý do ông phải chuyển phòng xét nghiệm tới một địa chỉ bí mật, bởi có rất nhiều vị khách đã tới nài nỉ nhân viên của ông cho họ một bản kết quả là sai (không cùng huyết thống). Ngược lại, nhiều lần ông cũng giúp họ lật tẩy được âm mưu tống tiền của nhiều cô thư ký…

Tôi hỏi về chuyện những bản “gel” cho kết quả đứa con không phải “sản phẩm” của cả cha lẫn mẹ. Ông giải thích, điều đó chứng tỏ những đứa con đó là con nuôi hoặc đã bị trao nhầm lúc mới sinh.

VĂN PHÚC HẬU
 

Tin cùng chuyên mục