Hoài niệm ký ức
Bạn tôi chia sẻ trên Facebook hình ảnh vài miếng bánh nướng bày ở dĩa sứ, bên cạnh có thêm cái lồng đèn giấy kiếng hình ngôi sao năm cánh cùng mấy cái đèn quay tự làm từ lon bia, hộp sữa… Chỉ vậy thôi, nhưng lại thu hút gần 2.000 lượt like và chia sẻ trên mạng xã hội. Bạn tôi ngạc nhiên: “Không lẽ, giờ mọi người vẫn thích trung thu như hồi xưa…”.
Lời chia sẻ của bạn tôi có lý, chúng tôi - thế hệ 9X nhưng cũng bắt đầu hoài niệm về ký ức của những mùa trăng cũ nhiều hơn là hòa mình vào không khí lộng lẫy, đủ đầy của hiện tại. Có ý kiến cho rằng, chuyện hoài niệm chẳng khác gì “no cơm ấm áo lại thèm nọ kia”, khi không lại nhớ về những ngày còn thiếu thốn. Nhưng thử một lần dạo qua phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM), điểm hẹn “hot” nhất các mùa trung thu gần đây, ít nhiều bạn sẽ có chút chạnh lòng khi nhớ về trung thu ngày cũ tương tự như tôi.
Hai bên phố lồng đèn, tất nhiên là treo lủng lẳng các loại lồng đèn từ truyền thống đến hiện đại nhưng người ta ra phố lồng đèn nhiều nhất là để chụp hình và nếu có mua thì cũng chỉ mua cho có. Tôi bắt gặp đôi bạn trẻ, sau khi coi lại hình ảnh, cảm thấy hài lòng thì vứt hẳn cái lòng đèn giấy kiếng hình con thỏ vào một bên đường. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, bạn nữ giải thích: “Mua để có phụ kiện chụp hình, với đứng lâu chút người ta không la thôi, chứ đem về nhà chi, không ai chơi mà để cũng chật”. Có lẽ, khi người ta đã không mặn mà thì cái lồng đèn kích cỡ bao nhiêu cũng trở nên chật chội và sau khi kết thúc việc chụp hình thì sứ mệnh của nó cũng chấm hết.
Nếu bạn tan làm muộn trong ngày trung thu, trên nhiều con đường ắt hẳn sẽ nghe có người than: “Trung thu mà ra đường chi cho kẹt xe dữ vậy không biết”. Đường kẹt xe, quán ăn, quán cà phê, trung tâm thương mại… chật kín khách, dường như trung thu là cái cớ để nhiều người, nhất là những bạn trẻ có thêm dịp hẹn hò, ăn uống, mua sắm… Phố lồng đèn, phố đi bộ lại dập dìu khách và rồi trung thu cũng không khác gì dịp lễ Valentine, Halloween… hay bao nhiêu lễ lạt khác du nhập vào nước ta, chỉ là cái cớ để người trẻ rủ nhau ra ngoài.
Bánh trung thu đủ loại, con cháu mang về nhiều nhưng chuyện ăn bánh, uống trà, thưởng trăng rằm hay nói chuyện về nét văn hóa cổ truyền của quê hương cũng quanh quẩn chỉ có người lớn trong nhà, còn “tụi nhỏ đi chơi hết rồi”. Vậy là cũng xong một mùa trăng, giá trị “trung thu đoàn viên” dường như bị bỏ lỡ đâu đó trong nhịp sống bộn bề, hối hả.
Muốn vui thì phải bỏ tiền
Ngày trước, đám trẻ như chúng tôi háo hức chờ trung thu, mong đợi còn hơn cả tết dù không được lì xì, nhưng vẫn thích thú chờ cái lồng đèn, miếng bánh nướng, bánh dẻo và tiếng múa lân đầu xóm. Trung thu hôm nay, gánh vác thêm nhiều “nhiệm vụ” và nó cũng không còn đơn thuần dành cho trẻ con nữa.
Một anh bạn tôi nhắn tin nhờ tư vấn chỗ mua bánh, phải ngon và sang trọng, còn tiền bạc bao nhiêu không quan trọng bởi bánh đem biếu sếp chứ không phải mang về nhà. Tôi thắc mắc, sao phải nhọc nhằn vậy, bạn tôi giải thích: “Qua gửi hộp bánh để ổng còn nhớ mặt, sau này còn việc này việc kia nữa”.
Tôi tìm đến một địa chỉ trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 10, quận 3), nhiều bạn trẻ xem đây là điểm hẹn để tìm lại không khí trung thu xưa. Tự làm lồng đèn giấy kiếng, đèn từ vỏ lon bia, lon sữa, rồi pha trà nhâm nhi bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, đặc biệt là phần trò chuyện cùng một nhà nghiên cứu văn hóa để hiểu thêm về những nét đẹp cổ truyền trong ngày Tết Trung thu của người Việt. Không gian nhỏ, ấm cúng vừa đủ cho hơn 20 con người cùng ngồi lại với nhau...
Tất nhiên là bạn cũng sẽ mất một khoản phí khi tham gia vào đây, chứ không đơn thuần như ngày xưa chỉ việc rồng rắn rước đèn cùng đám trẻ con trong xóm và rẽ vào một nhà bất kỳ nào đó cũng sẽ được vài cái kẹo, miếng bánh mà người cho chỉ kêu lấy thêm chứ không đòi hỏi tiền bạc gì. Âu đó cũng là một cái giá để có thể tìm và sống lại một chút hương xưa đang dần phai nhạt trong những thứ phù phiếm, lộng lẫy mà trung thu hiện đại phải “gánh” trên vai.
Tiếng trống múa lân vẫn rộn ràng trên nhiều con đường trong thành phố, thậm chí lân vào tận nhà để góp vui thêm cho gia chủ, nhưng sau đó thì phải có bồi dưỡng hậu hĩnh. Cũng biết đó là công việc kiếm sống bình thường nhưng tự nhiên lại cảm thấy niềm vui không trọn vẹn. Theo nhịp phát triển, có những thứ sẽ không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất của Tết Trung thu không nằm ở những cái bánh thượng hạng, gói trà đắt tiền, mà đó chính là giá trị đoàn viên, chứ không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ...