Đi bộ, đi lòng vòng và đi nhậu
Anh H., người giữ xe khu vực phố đi bộ Kỳ Đài Quang Trung kể: “Hồi trước tết, thấy khách tới cũng được lắm, không biết sao qua tết thì lại ít quá. Cỡ cái xe trà sữa đó, thuê cũng chỉ vài triệu đồng à, giá đó thì làm sao tìm được mặt bằng ở trong thành phố, vậy mà cũng không mấy ai đăng ký buôn bán, chắc vì ế quá”.
Xe trà sữa ngay đầu phố chỉ vài khách, chị V., một chủ quầy trà sữa, cho hay: “Tôi đã lỡ đăng ký ở đây nên bán thôi, chứ ở nhà, tôi có quán và buôn bán online nữa mới sống đủ, bán ở đây có được bao nhiêu đâu”. Ngọc Huy (25 tuổi, ngụ đường 3 Tháng 2) cùng hai người bạn, cho biết, anh thỉnh thoảng đến đây uống trà sữa và ăn vặt. “Tôi nghĩ, phố đi bộ nếu chỉ có ăn uống lặt vặt và trình diễn một số tiết mục văn nghệ, xem vài phút thời sự phát trên màn hình khá lớn ở đây thì đi 2-3 lần là chán, vì nét đặc trưng không có”, Huy nói.
Bắt đầu mở cửa từ cuối tháng 12-2022, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (từ đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3) hoạt động từ 19-23 giờ mỗi ngày. Nơi đây đã từng được Tạp chí Time Out (Vương quốc Anh) bình chọn là một trong 20 khu phố tuyệt vời nhất thế giới… Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, việc ăn uống, dạo chơi trên tuyến phố này khá bất tiện. Lề đường hẹp, khách phải ngồi tràn xuống lòng đường sẽ không an toàn, vì xe máy lưu thông nhanh, bấm còi inh ỏi khiến khách hoảng sợ. Khách muốn gửi xe lại khó tìm chỗ.
Một số hộ kinh doanh ở đây giải thích, trước đây, khách có thể gửi xe buổi tối tại bãi xe ngay góc đường Nguyễn Thượng Hiền với đường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng bãi xe này không còn hoạt động, vì hiện tại xe được phép lưu thông hai chiều trên tuyến phố. Khách mua ở đâu, ăn ở đâu thì để xe ngay đó cho tiện. Bà Nguyệt, chủ quán Cô Nguyệt, có thâm niên bán nem - chả - tré hàng chục năm trên tuyến phố này, cho hay: “Trước đây, cao điểm quán bán được khoảng 600 cây chả/ngày, nhưng nay bán được khoảng 300 cây là nhiều”. Nguyên nhân vắng khách, theo bà Nguyệt, do tuyến đường bị hạn chế lưu thông (cấm ô tô), đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Đình Chiểu, tác động tới tâm lý người mua. Còn theo quan sát của chúng tôi, tại đây, lượng khách ăn tại chỗ không bằng lượng… giao hàng công nghệ. Trong khi tuyến phố mở ra là để khách tìm đến trực tiếp ăn uống, trải nghiệm.
Cuối tuần, một số tuyến phố ẩm thực như đường Hồ Thị Kỷ (quận 10), đường Vĩnh Khánh (quận 4), phố đi bộ Bùi Viện (quận 1)… nhộn nhịp khách qua lại. Lê Thiên Thảo (28 tuổi, hướng dẫn viên tự do, ngụ quận Bình Thạnh) kể: “Đi dạo một vòng thành phố về đêm thì cũng ra đây thôi, không gian ở phố Bùi Viện phù hợp với nhiều khách nước ngoài, nên họ cứ trò chuyện, bia bọt thâu đêm. Ngày trong tuần còn đỡ, chứ cuối tuần tìm bàn ngồi rồi ai thích uống gì thì gọi, chứ đi bộ gì nữa, chật kín bàn ghế hết cả lòng đường”. Thậm chí, một số quán bar như Volcano Bar, có nguyên quầy nổi để nam - nữ nhân viên mặc đồ khêu gợi uốn éo, nhảy múa. Bóng cười, shisha… cũng được phục vụ tại bàn cho khách. Có người vừa nằm ngả ra ghế vừa sử dụng bóng cười. “Trước dịch Covid-19, tôi từng đến đây, nhưng lần trở lại này, tôi có cảm giác lạ lắm, như đang trải nghiệm ở khu phố đi bộ Pattaya (Thái Lan) đầy sôi động chứ không phải ở quận 1”, anh Ngô Văn Thụy (ngụ Khánh Hòa), một khách du lịch, nói.
Na ná và đại trà
Một ngày cuối tháng 2, một đoàn khách trong nước được xe đưa về mua sắm tại Vincom (quận 1). Hướng dẫn viên của đoàn cho chúng tôi hay: “Nơi đây có sẵn trong tour, bán giá niêm yết, đủ loại hàng hóa trong nước và quốc tế, nên dẫn đoàn cũng khỏe”. Khi chúng tôi hỏi trong lịch trình có ghé thăm phố đi bộ, hay chợ đêm, phố ẩm thực nào không, anh bạn cho hay là không, vì sản phẩm mua ở mấy nơi đó cũng na ná nhau thì mua ở một điểm thôi là đủ, ai có nhu cầu thì tối tự đi riêng. Lời anh hướng dẫn viên nói không sai, ẩm thực những nơi này chỉ phổ biến với những món ăn nhanh như xiên que, bánh tráng trộn, trà sữa mà bất kể nơi nào cũng có thể tìm thấy; hay lỉnh kỉnh phụ kiện, túi xách bình dân, chủ yếu đẹp mà rẻ chẳng cần quan trọng nguồn gốc, xuất xứ…
Phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm là một điểm nhấn về đêm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tại TPHCM. Đó là nơi hội tụ những nét đặc sắc văn hóa khác nhau qua không gian bài trí, chất liệu, màu sắc của từng khu vực kinh doanh. Theo ông Nguyễn Bảo Toàn, Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn viên Vietravel, tại một số nước như Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản… tập trung nhiều vào các khu “Red light District” (phố đèn đỏ). Thái Lan, Việt Nam chú trọng các phố đi bộ (Walking Street), nơi các quán bar, bia chen chúc nhau. Chẳng hạn như ở Pattaya, Patong, Khao San (Thái Lan); hoặc Bùi Viện, Tạ Hiện (Việt Nam)… hầu như bao nhiêu năm vẫn không có gì khác biệt.
Ông Bảo Toàn nói: “Kinh tế ban đêm có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ riêng với Việt Nam. Ước tính sơ bộ từ các doanh nghiệp du lịch, những hoạt động ngoài tour về đêm chiếm khoảng 50% mức chi tiêu trong tour của khách. Với Việt Nam, muốn tăng mức hấp dẫn cho các hoạt động dịch vụ về đêm, việc đầu tiên cần chú trọng đó là quảng bá sự an toàn cho du khách, kế tiếp là tạo ra chuỗi hoạt động theo tuần, theo tháng định kỳ về thời trang, nghệ thuật đường phố, tôn vinh các nghề thủ công truyền thống, triển lãm và biểu diễn các kỷ lục quốc gia... Cuối cùng là cơ sở hạ tầng đủ thông thoáng giải quyết lưu lượng người đến và tham gia các hoạt động một cách trật tự, tiện nghi”.
Trong khi đó, theo Th.S Nguyễn Quang Huy (Khoa Đô thị, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM), để thuận tiện cho du khách tham quan cần phải quy hoạch đồng bộ về giao thông và bãi đỗ xe cho người đi bộ, thắt chặt an ninh hơn để tránh các tình trạng trộm cắp, dàn cảnh làm mất an ninh trật tự. Ngoài ra, bên cạnh những quán cà phê, nhà hàng nhỏ trang trí mang phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Bắc Mỹ… thì cần phát triển thêm những nét đặc sắc riêng của Việt Nam qua trang trí, ẩm thực, hay ca hát dân gian - biểu diễn đường phố để có thể quảng bá đến du khách nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
“Phát triển mô hình phố đi bộ/ẩm thực tại mỗi quận huyện là cần thiết nhưng mỗi quận huyện cần phải xây dựng gắn với đặc điểm vị trí địa lý và phát huy thế mạnh tiềm năng gắn với phố chuyên doanh. Với mô hình phố đi bộ/ẩm thực, cần thêm những bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế để phát triển hiệu quả”, Th.S Nguyễn Quang Huy nói.
Nhiều người dân nói với chúng tôi rằng, họ không tiếc công, tiếc tiền bỏ 10.000 đồng gửi mỗi chiếc xe máy hay 200.000-300.000 đồng cho mỗi chuyến đi khám phá ẩm thực, mua sắm ở phố đi bộ, chợ đêm. Vấn đề là, các nơi này có những gì để níu kéo họ.
Thông tin từ UBND quận 1, quận 10, số lượng người dân, du khách đến vui chơi, ăn uống tại một số tuyến phố ẩm thực trên địa bàn tăng đáng kể so với thời điểm trước dịch. Tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), đón khoảng 1.000 lượt khách/ngày vào dịp cuối tuần, góp phần tạo doanh thu ổn định cho các hộ kinh doanh. Tương tự, với phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), số lượng khách trong và ngoài nước đến đây tăng mạnh, nhất là từ cuối năm 2022 đến nay. Mặc dù chưa có số liệu đánh giá chi tiết, nhưng theo UBND quận 1, lượng khách đến ở thời điểm hiện tại đạt mức tương đương, thậm chí cao hơn so với cao điểm năm 2019.
Năm 2022, Sở GTVT TPHCM có đề án đề xuất trong năm 2023, phố đi bộ sẽ tổ chức ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Du); đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang); đường Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Lợi); đường Phan Chu Trinh, đường Phan Bội Châu. Các tuyến này cấm xe chạy khi tổ chức phố đi bộ.
Trong 2 năm tiếp theo, phố đi bộ tiếp tục mở rộng qua đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng); Công trường Lam Sơn (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng); cùng các tuyến Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi). Theo ngành giao thông thành phố, việc mở rộng các phố đi bộ giúp giảm xe cá nhân vào nội đô, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm - nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa...