Nhiều người cứ tiếc, họ hoài niệm những điều sâu sắc hơn cả niềm vui dạo phố, tán dóc bên ly nước xanh xanh, đỏ đỏ từ vỉa hè đến quán cà phê, trên những tầng nhà cao chọc trời khu vực trung tâm thành phố.
Những ký ức đẹp chẳng cần gọi tên
Với người Sài Gòn - TPHCM, ký ức về thành phố một thời, là những cung đường đẹp mà chẳng cần quá cầu kỳ gọi tên.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, đúng như người ta hay nói là dân Sài Gòn chính gốc. Tôi nhớ đường Đồng Khởi một thời có nhiều quán ăn, không phải kiểu nhà hàng lớn đâu, quán ăn cũng vừa vừa thôi, nhưng rất sang trọng và ngon. Đường Nguyễn Huệ vẫn là trục đường ở vị trí đẹp của trung tâm thành phố, cũng có những cửa hàng buôn bán nhưng mọi thứ rất vừa vặn, không ai lấn ra vỉa hè, cũng không treo biển hiệu quá phô trương, nhưng hàng hóa chất lượng, uy tín, khách cứ tìm tới… Mọi thứ ở đây không xô bồ, ồn ào nhưng luôn là nơi có những cái hay, cái mới trước nhất trong thành phố và có một nét văn hóa rất riêng”, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, kể với chúng tôi.
Không chỉ bà Tú Cẩm, với nhiều người có mối lương duyên với mảnh đất này, những cung đường đẹp trong thành phố luôn ở lại trong lòng người. Hơn tất cả còn là ký ức về vùng đất, về con người, về những thứ rất Sài Gòn, rất Nam bộ mà vùng đất này đang sở hữu.
Không gian xung quanh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), với hàng loạt quán cà phê trên chung cư cao tầng và những tòa nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Tác giả Nguyễn Ngọc Hà (ngụ quận 3), một người sinh ra và lớn lên ở thành phố này, chia sẻ: “Có câu: Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1, trấn lột quận 4. Tại quận 5, người ta dễ dàng tìm từ món ăn hải sản tươi sống ngon lành trong những quán ăn, nhà hàng lớn, đến những chiếc bánh chiên, dĩa bột chiên hấp dẫn bên lề đường. Tại sao lại nằm quận 3? Có rất nhiều khu biệt thự trong quận 3. Bạn không nhất thiết liên tưởng đến biệt thự với những căn phòng máy lạnh. Cứ nghĩ lúc mệt mỏi, bạn có thể ghé vườn Tao Đàn, hay ngồi bên lề đường, dưới gốc cây to trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Tú Xương..., hít thở không khí mát mẻ hiếm hoi của trưa hầm hập Sài Gòn. Bạn chớ nên ngại khi nghe trấn lột quận 4. Xin thưa, trấn lột đã vào quá khứ. Hôm nay quận 4 phóng đường, buôn bán sầm uất, chẳng còn đường cho tội phạm trấn lột. Cũng như không cần vào quận 5 mới ăn ngon. Ví dụ tại quận 3 - đường Kỳ Đồng, quận 10 - đường Nguyễn Tri Phương, cũng có vô số món cho bạn chọn lựa, giá rất mềm. Cũng chẳng cần về nằm quận 3, những công viên ở Gò Vấp cũng dư sức cho bạn tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Và các quán ăn ở quận 6, quận 4 cũng đủ cho bạn la cà nếu bạn thích”.
Không chỉ là những thứ hiện hữu như tác giả Nguyễn Ngọc Hà đề cập, qua nhiều tài liệu nghiên cứu về đô thị, lịch sử, có thể thấy, cảnh quan và kiến trúc của một đô thị, nhất là khu vực trung tâm - luôn tạo ra những không gian mà ở đó thể hiện những đặc trưng văn hóa của đô thị đó. Ở đô thị Sài Gòn - TPHCM là cảnh quan và kiến trúc của trục Đồng Khởi (từ Nhà thờ Đức Bà đến bờ sông Sài Gòn) và trục Lê Lợi (từ Nhà hát thành phố đến chợ Bến Thành) được xác định từ những quy hoạch đầu tiên thời Pháp thuộc.
“Khi nhắc đến Sài Gòn, người ta nghĩ ngay đến trục Đồng Khởi với Café Givral, Café La Pagode, Nhà sách Xuân Thu, Rạp hát Eden..., hay trục Lê Lợi với Thương xá Tax, Khách sạn nhà hàng Rex, bùng binh cây liễu, dãy nhà shophouse một trệt một lầu bên cạnh hàng cây cao vút”, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, chia sẻ thêm.
Ồn ã trong nhịp sống đô thị
Những âm thanh ồn ào trên phố đi bộ Nguyễn Huệ thêm xáo động, bởi tiếng bước chân người bán vội vã đẩy xe hàng rong rời đi khi lực lượng chức năng đến. Nhưng chỉ vài chục phút, chiếc xe của lực lượng chức năng vừa rời đi, thì… đâu lại vào đấy. Anh Đặng Huy Hân (33 tuổi, hướng dẫn viên tự do, ngụ quận 3) chia sẻ: “Dắt tour khách ra đây, chuyện này tôi gặp hoài. Lực lượng chức năng đi thì người ta lại đẩy vào bán thôi”.
Không chỉ là câu chuyện hàng rong, trục đường đẹp ở vị trí trung tâm đóng vai trò là không gian văn hóa công cộng, nhưng còn nhiều điều khiến người ta trăn trở, bởi vẻ hiện đại, hay cái đẹp thì có thể hoàn thiện dần, nhưng muốn người ta nhớ thì phải có bản sắc. Sự nhạt nhòa bởi hàng rong, người đứng người ngồi, chỗ nhân tượng, chỗ chơi nhạc, chỗ bán cá viên chiên và chỗ… rác rến, khiến không gian phố đi bộ trở nên lạc lõng.
Trở lại với những đặc trưng ban đầu của đường Nguyễn Huệ, TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ thêm: “Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, lại có những công trình quan trọng về chính trị như Tòa nhà UBND TPHCM và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến khi chưa xây dựng quảng trường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đường Nguyễn Huệ vẫn có chức năng là nơi tập trung tổ chức các nghi lễ, lễ hội. Tuy nhiên, nếu điểm lại vài nét về lịch sử của đường Nguyễn Huệ từ khi hình thành đến nay, ta có thể thấy quảng trường Nguyễn Huệ còn cần có một chức năng quan trọng khác: là nơi hàng ngày tổ chức những sinh hoạt văn hóa và xã hội của cư dân đô thị”.
Tháng 4-2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM bàn giao cho thành phố phần mặt bằng dài khoảng 50m nằm trên đường Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Pasteur đến trước giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khu vực này cùng phía trước Nhà hát thành phố, công viên Lam Sơn, cộng hưởng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, tạo thành điểm nhấn cảnh quan từ trung tâm hướng về phía sông Sài Gòn - công viên Bến Bạch Đằng, mở ra thêm không gian để người dân vui chơi, sinh hoạt…
Cảnh hàng rong bán ngay trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Quảng trường, công viên hay phố đi bộ… đều là những không gian văn hóa công cộng, nhiệm vụ chính là đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của người dân và xa hơn chính là bộ mặt đô thị, là điểm tương tác với du khách. Không gian cho vui chơi, giải trí, cho kết nối và phát triển đã có, vấn đề là chúng ta đã hiểu hết ý nghĩa, đặc điểm của đô thị, của cư dân nơi đó hay chưa, để có những không gian có chiều sâu, là bài toán cần phải cân nhắc.
Đúng như PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng (Đại học KHXH-NV TPHCM) chia sẻ: “Để phát triển thành phố hay chuẩn bị một không gian mới cho bất cứ con đường, địa điểm nào, cũng cần tìm hiểu trước tiên nó hình thành từ đâu, có những đặc điểm gì… Đó mới là bản sắc của mỗi con đường, hay xa hơn là một vùng đất, một thành phố”.
* GS-TS NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM:
Đảm bảo cộng hưởng về mỹ thuật, tính đại chúng
Phố đi bộ là không gian văn hóa công cộng, phải phục vụ cộng đồng dân cư và góp phần nâng cao thẩm mỹ cộng đồng. Nó phải đảm bảo nhiều yếu tố như: mỹ thuật công cộng, văn hóa, tính đại chúng… Việc kết hợp con đường, vỉa hè, cây cảnh, ánh sáng, âm nhạc đường phố… phải hài hòa. Việc kết hợp nghệ thuật ánh sáng cùng cảnh quan rất quan trọng, phải làm sao để buổi tối đủ lung linh và ban ngày chưa dùng đến đèn chiếu sáng thì không gian vẫn đẹp.
Chuyện buôn bán ở các không gian văn hóa công cộng như phố đi bộ, nhiều nơi trên thế giới vẫn áp dụng và có sự quản lý rõ ràng. Trong quá trình xây dựng, cần thiết kế phố đi bộ cộng hưởng với các cung đường xung quanh, để du khách và người dân vẫn có thể tìm thấy cửa hàng ăn uống, mua sắm lưu niệm hay ngồi cà phê…
* TS NGUYỄN THỊ HẬU, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM:
Cần những khu vực sinh hoạt cộng đồng
Sự thân thiện của không gian quảng trường là những chiếc ghế đá đặt dưới bóng cây xanh, hoặc những bồn cây lát đá thành nơi nghỉ chân của bất cứ ai, nếu không ăn uống mua sắm thì vẫn có thể đến đây ngồi chơi ngắm cảnh, nghe nhạc, trò chuyện. Ban ngày hay ban đêm trên quảng trường có những họa sĩ vẽ chân dung cho du khách, nghệ sĩ xiếc hay ảo thuật, biểu diễn âm nhạc thính phòng, hoặc nhạc truyền thống...
Trước Nhà hát thành phố là khu vực tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài trời phù hợp nhất, mỗi khi tết đến, “đường hoa - phố sách” được tổ chức trong một không gian hiện đại. Và tại sao không, nếu như một ngày nào đó, quảng trường Nguyễn Huệ sẽ trở thành “một sân đình” khổng lồ với những chiếu chèo, sân khấu hát bội, sân khấu đờn ca tài tử Nam bộ?