Thậm chí không ít người ở TPHCM chấp nhận bỏ ra vài chục triệu đồng chỉ để tìm mua một dòng máy mà thị trường đã không còn sản xuất từ rất lâu.
Nghe để hoài niệm
Lau đi lau lại chiếc máy cassette đã sờn màu, đặt gọn lên vị trí đẹp nhất trong phòng khách rồi, ông vẫn lau nhẹ thêm một lần nữa, tiếp tục với lấy cây chổi lông gà quét nhẹ xung quanh đầu tủ chỗ để máy.
Tôi thắc mắc, ông lại cười: “Bây không hiểu đâu, nó bây giờ thành đồ quý trong nhà, nhiều người ghé trả giá cao lắm nhưng tui không bán đó. Để đây ngày nào còn nghe được thì nghe, còn không thì dòm nó vậy thôi cũng đủ vui rồi, để nhớ lại những ngày xưa”. Và sở dĩ ông ngày nào cũng mang chiếc máy đã úa màu thời gian này ra lau chùi cũng một phần sợ bụi bám, một phần nâng niu như thể một đứa cháu cưng trong nhà.
Ở tuổi 75, ông Nguyễn Bá Thiền (đường Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh) vẫn giữ thói quen nghe đài mỗi ngày, nhất là chiều đến, vọng cổ, cải lương là số một. “Già cả rồi, mắt mũi tèm lem, coi ti vi cũng không thấy rõ, nên tui khoái nghe đài, nghe cải lương riết rồi thành ghiền luôn. Cái máy coi cũ vậy chứ mở cải lương loa nghe ấm lắm à, bao nhiêu năm rồi mà có hư hao gì đâu, nghe tiếng thanh tao, rõ ràng”, ông Thiền hóm hỉnh cho hay.
Nói về “cái đồ quý trong nhà” là chiếc máy cassette gần bốn chục năm, nay vẫn chạy ro ro, ông Thiền kể: “Hồi xưa, nhà nào mà có được cái máy cassette này cũng phải thuộc hàng khá giả trở lên. Tui với bà nhà hồi mới cưới, hai vợ chồng đi mần dành dụm gần cả 3 năm trời mua cái máy để nghe, sẵn có cái làm của trong nhà luôn. Sau này con cái, học hành, rồi đau bệnh nhiều khi túng thiếu cũng tính đem cầm đem bán mấy lần, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại không đành, giữ lại tới giờ luôn. Bây giờ tụi nhỏ lớn, tụi nó đi làm cũng sắm sửa đồ đạc trong nhà nhiều, nhưng cái cassette vẫn giữ đó như kỷ vật đi cùng gia đình suốt mấy chục năm trời. Máy hát đời mới bây giờ thì dễ mua chứ máy cassette như vầy đâu có dễ kiếm nữa”.
Nặng lòng với kiểu máy xưa cũ giữa thời đại bùng nổ của máy móc, đồ điện tử với công nghệ ngày càng hiện đại, anh Trần Minh Tâm (48 tuổi, ngụ phường 8, quận 5), chia sẻ: “Bây giờ mở điện thoại nghe nhạc, xem phim thoải mái rồi, nhưng tui thích tìm máy cassette để nghe băng cũng vì nó gắn với mình từ thuở nhỏ. Hồi xưa, gia đình ở quê nghèo nên đâu có sắm nổi, muốn nghe phải chạy qua nhà hàng xóm nghe ké, nhưng khoái nhất là dòm cái băng đang hát trong máy, trục băng cứ xoay tròn đến khi mình tắt thì thôi. Mê mấy cái cassette tới giờ cũng là vì dòm cái trục băng xoay tròn mỗi khi hát, ngó ngộ ngộ mà cũng hay hay”.
Không chỉ giữ cho riêng mình
Trong căn nhà nhỏ trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 8, quận Gò Vấp), máy cassette các loại được để khắp nơi trong phòng khách và tầng lầu duy nhất trong nhà cũng làm kho để máy. Mỗi khi có khách lại hỏi mua máy, hay thậm chí tới coi cho vui nhưng anh Nguyễn Văn Hồng Phương (45 tuổi) cũng nhiệt tình mời lên lầu, giới thiệu từng loại máy trong “bộ sưu tập” của anh. Khách nào biết đôi chút về cassette là ngồi nói chuyện cả ngày với anh cũng không hết.
Vừa bỏ cuộn băng vào để máy hát thử, anh Phương hóm hỉnh nói: “Ngày xưa, mà được nhiêu đây máy chắc tui cũng là chủ cả hãng xưởng lớn đó”.
Gần cả ngàn máy cassette cũ được anh Phương sưu tầm suốt gần 5 năm qua, sắp xếp gọn gàng là vậy, nhưng với con mắt của “dân chơi” máy cassette có kinh nghiệm, nhìn qua kiểu dáng là anh biết ngay nó sản xuất năm nào. Từ một anh thợ bán và sửa chữa đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo, nhưng vì mê mẩn máy cassette, anh Phương bắt đầu sưu tầm và mua bán các loại máy cassette cũ.
Anh kể: “Hồi xưa, bà già cũng có mua cái máy để trong nhà nghe hát, nghe đài cho vui, thuở nhỏ mình nghe riết thành quen luôn. Sau này, gia đình khó khăn phải bán đi, tui tiếc hoài. Mấy năm nay, đi sưu tầm mua máy khắp nơi cũng gặp được vài máy cùng dòng với máy hồi xưa ở nhà nhưng thử đi thử lại cũng thấy không ưng bằng cái máy cũ hồi xưa được”.
Nguồn máy cassette cũ chủ yếu là hàng xách tay từ Nhật, Mỹ về (là hàng tồn kho hoặc gom từ những bãi rác điện tử), hàng trong nước chủ yếu mua cũ lại của những người không thích sử dụng nữa.
“Nguồn hàng chủ yếu là anh em chơi với nhau lâu năm, hễ có hàng là người ta gọi mình tới, được thì lấy có khi cả chục máy, còn không thì thôi. Máy về đa phần đều có lỗi nhẹ, mình tân trang thêm chút cho đẹp rồi mới bán, cũng có khi hàng về nguyên máy, nguyên hộp, những “con” như vậy ít lắm, giá cao hơn, có “con” hiếm tui mua được thì giữ luôn, nhiều khách trả tới hai, ba chục triệu rồi nhưng tui không bán”, anh Phương cho biết.
Không chỉ là “dân chơi” máy cùng nhau, không ít khách hàng cũng tìm đến máy cassette cũ với nhiều lý do, người mua vì thích nghe, để trang trí quán cà phê, phim trường, hay đơn giản để trưng trong nhà một món đồ quen thuộc của ngày xưa.
“Khách bây giờ họ cũng thích máy cassette nhiều lắm, khách trẻ cũng nhiều chứ không riêng mấy gì mấy cô bác lớn tuổi. Năm nào gần tết cũng hay cháy hàng, nhiều khách họ đặt loại máy đó mà săn cả năm cũng chưa có”, anh Phương cho biết thêm.
Và cũng không ít khách mua vì muốn thưởng thức âm thanh analog, mà theo kinh nghiệm của anh Phương: “Dân hay nghe nhạc, họ có khiếu cảm nhận âm thanh hay lắm. Như máy cassette bây giờ tuy lỗi thời, nhưng âm thanh analog có cái hay của nó, âm thanh phát ra mộc mạc, nên giọng hát ca sĩ phải dày hơn, bao trùm lên cả nhạc đệm, nghe đã tai hơn nhiều so với nghe nhạc trên máy tính hay điện thoại”.
Nghề chơi cũng lắm công phu, đồ điện tử dù hàng mới hay cũ thì cũng không nói trước được điều gì. Dân sưu tầm mua bán máy cũ cũng phải săn luôn phụ tùng để thay thế, có cái sản xuất lâu quá, thị trường không còn linh kiện thì phải chấp nhận “hy sinh” cái này để cứu cái kia.
Không chỉ tìm và giữ những âm thanh analog một thời cho riêng mình, anh Hồng Phương còn san sẻ lại những chiếc máy cassette với bảo tàng. Trong chuyến họp mặt nhóm bạn cùng chơi máy cassette vừa qua tại Hưng Yên, anh Phương đã tặng lại bảo tàng tỉnh một máy cassette.
Anh nói: “Thời buổi này máy móc đủ loại, nên không dám hy vọng là máy cassette sẽ sống lại như hồi xưa. Nhưng mình là dân sưu tầm chơi máy, có người còn thích nghe, thích tìm đến cassette là thấy vui rồi. Bảo tàng hay phim trường nào mà họ cần thì tui cũng sẵn sàng cho mượn hoặc tặng luôn, coi như mình chia sẻ một chút kỷ niệm xưa vậy mà”.
Quả thật, những vòng quay đều đặn của trục băng, âm thanh chậm rãi đến độ mơ huyền, huyễn hoặc phát ra từ máy cassette đủ khiến người ta nhớ về một thời chưa xa và có lẽ với một số người sẽ không bao giờ xa.
Máy cassette cũ thường được mua bán và sửa chữa ở khu chợ Nhật Tảo, chợ Tân Phước (quận Tân Bình), đường Hùng Vương (quận 5). Phổ biến nhất là các hội nhóm chuyên mua bán máy, băng cassette cũ trên mạng xã hội, người bán liên tục chia sẻ hình ảnh, video và thông báo giá cả, cũng như để lại địa chỉ, số điện thoại để người mua liên lạc. Máy cassette cũ thường được chia làm 2 dòng chính: Máy tự hành là dòng máy xách tay, có tích hợp sẵn đầu phát, loa, ampli bên trong có giá bán từ khoảng 500.000 đồng trở lên. Đầu câm (cassette deck) phải cần đến hệ thống loa và ampli bên ngoài mới có thể phát nhạc được, nên việc chơi đầu câm cũng tốn kém hơn, có giá khoảng 2- 3 triệu đồng trở lên. |