Ông Lại Tấn Thánh (68 tuổi, thôn Lương Yến) đã gửi đến Báo SGGP lá đơn cầu cứu việc đê Lũy Thầy bị xâm hại. Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương (55 tuổi) được UBND huyện Quảng Ninh cho thuê đất bãi bồi ven sông Lũy với diện tích 4.000m2 chăn nuôi vịt. Tuy nhiên từ năm 2003 đến nay, ông Dương thuê xe chở hàng ngàn khối đất đá, xà bần đổ lấn chiếm sông Lũy, san phẳng pháo đài trên đê Lũy Thầy. Nhưng chưa cơ quan chức năng nào xử lý.
Cụ Lê Quang Vy (98 tuổi) cho biết: “Tôi có gần 50 năm gắn bó với đê Lũy Thầy. Dân làng rất có ý thức bảo vệ vì đây là di tích lịch sử quốc gia. Từ ngày anh Dương về thuê đất nuôi vịt đã vây đê Lũy Thầy như của riêng, xây cất, lấn chiếm sông ngòi khiến bà con bức xúc”. Dẫn chúng tôi đi một vòng, ông Lại Tấn Thánh nói: ông Dương đưa hàng ngàn khối đất, tạo con đê mới dài hàng trăm mét để phục vụ lợi ích riêng, đào ngầm ống thải đường kính 0,5m từ hồ ra kênh Lũy Thầy, xả thải trái phép chất thải chăn nuôi heo, trâu, bò khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Khu vực cầu Sông Lũy, ông Dương cho đắp đê quây các trụ cầu, tạo hồ lớn thả vịt, nuôi cá, heo; xây kho chứa thức ăn, dựng kho rơm dưới khoảng không lưu của cầu.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh, cho biết: “Tôi mới nhận nhiệm vụ ở địa phương. Vừa rồi hộ ông Dương xây dựng kho chứa kiên cố dưới gầm cầu, chúng tôi đã lập biên bản. Hiện sự việc diễn ra nghiêm trọng, chúng tôi sẽ báo cáo cấp huyện để có phương án cưỡng chế, trả lại di tích lịch sử quốc gia Lũy Thầy nguyên trạng. Phần nào của xã, xã sẽ xử lý; phần nào thuộc cấp huyện, huyện sẽ có chỉ đạo”.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết: “Hiện địa phương đang chỉ đạo các phòng ban liên quan nắm bắt tình hình, vì sự việc ảnh hưởng đến môi trường, quản lý đê điều, di tích lịch sử quốc gia… cần kiểm tra để có hướng xử lý, tránh gây bức xúc dư luận”.