Ngay giữa thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, các khu di tích lịch sử như Đoan Môn – hoàng thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội, tháp Hòa Phong... đang bị bôi bẩn, làm xấu hình ảnh các di tích.
Theo quan sát của PV SGGP, những người tham quan các khu di tích thường muốn để lại dấu tích những nơi đi qua vì vậy, nhiều người tìm cách viết, vẽ đánh dấu lên các di tích. Thậm chí nhiều cặp đôi thể hiện tình yêu bằng cách viết, vẽ tên tuổi, hình ảnh của mình lên đó. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan, sự tôn nghiêm của các di tích lịch sử mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo tồn.
Các quốc gia như Nhật Bản Singapore, Thái Lan, họ thường xử phạt rất nặng nếu phát hiện trường hợp làm ô uế di tích lịch sử. Ví dụ, nhà chức trách Thái Lan sẽ phạt số tiền tương đương 8 triệu đồng nếu viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử. Thậm chí, Singapore còn phạt tù tới 3 năm với người vi phạm.
Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo) mức phạt tiền là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, dường như chế tài này lẫn việc thực thi không đủ răn đe những người vi phạm.
Chùm ảnh một số di tích bị vấy bẩn:
Di tích Đoan Môn (cửa chính) được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) và được trùng tu, sửa sang vào thế kỷ XIX và những năm cuối thế kỷ XX. Đoan Môn là cổng chính dẫn vào Cấm Thành, nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia. Khách du lịch viết lên di tích Đoan Môn - hoàng thành Thăng Long gây mất mỹ quan Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ thời nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành vào năm 1812). Ngày 10-10-1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh. Cột cờ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử năm 1989. Khách du lịch vẽ bậy lên cột cờ, biểu tượng của Hà Nội Nhiều cặp đôi dường như chọn nơi đây để thể hiện tình yêu đôi lứa... qua vẽ bậy. Tại Cột cờ Hà Nội, hình ảnh vẽ bậy có thể thấy ở nhiều nơi Tháp Hòa Phong là ngọn tháp cổ Hà Nội. Tháp nằm ở bờ Đông Nam Hồ Hoàn Kiếm, là một di tích cổ còn sót lại của Chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn xây năm 1842. Dù nằm ở ngay trung tâm của Hồ Gươm, tháp cũng không tránh khỏi việc bị bôi bẩn Khách du lịch vẽ chi chít bên trong ngọn tháp, thậm chí còn khắc tên lên ngọn tháp cổ kính HUY DŨNG