Chiều cùng ngày, hòa vào dòng khách đến tham quan di tích, chị Nguyễn Ngọc (du khách đến từ Đồng Nai) chia sẻ rằng, vô cùng tự hào khi cha ông đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng để lớp trẻ có những tháng ngày hòa bình, tự do. “Những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu của các chiến sĩ cách mạng còn in rõ trên những bức tường khiến chúng tôi rơm rớm nước mắt”, chị Nguyễn Ngọc nói.
Theo UBND quận 5, di tích mở cửa đón khách vào ngày 1-5 nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1-5-1904 - 1-5-2024) và sẽ phục vụ khách tham quan trong thời gian 10 ngày. Sau 10-5 sẽ tạm thời đóng cửa di tích để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2, hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Trước đó, Dự án tu bổ, tôn tạo Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Thành ủy - HĐND - UBND TPHCM giao cho quận 5 thực hiện với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành, chính thức mở cửa đón khách trở lại từ ngày 1 đến 10-5. Trong đó bao gồm tu bổ, tôn tạo nhà giam theo nguyên trạng, quy mô 822m2 trong khu đất di tích với diện tích hơn 2.211m2, với mức đầu tư hơn 33,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TPHCM. Giai đoạn 2 (được thực hiện sau ngày 10-5): mở rộng diện tích và xây dựng nhà mới để tiếp đón khách tham quan, trong đó có Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, nhà trưng bày các hiện vật…
Ông Giáp Đức Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5 cho hay, trong quá trình tu bổ và tôn tạo lại di tích, cơ quan chuyên trách phát hiện được một số vị trí mới. Ví dụ như dòng chữ “Tù nhân chết cho Tổ quốc sống” được phát hiện ở trong phòng giam của tập thể nam, trước đây bị che lấp bởi nhiều lớp xi măng, nay cạo lớp xi măng mỏng mới lộ ra. Hay như phát lộ các cổng ra vào để bệnh nhân ra ngoài tắm nắng (thời Mỹ Ngụy đã bịt kín cổng này, nhưng thời Pháp thuộc thì có)…
Khu trại giam Nhà thương Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, từng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong đó, có đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại phòng biệt giam A3, đồng chí Trần Phú đã hy sinh vào ngày 6-9-1931.
Hiện tại, di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân, đế quốc, cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ cách mạng… Ngày 16-11-1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ VHTT-DL công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Suốt thời gian qua, di tích đã đón rất nhiều đoàn khách từ khắp các tỉnh thành trên cả nước về tham quan, tìm hiểu…