Ngày 12-6, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL về việc này.
- PHÓNG VIÊN: Hiện rất nhiều di tích có sở hữu cá nhân như dinh thự họ Vương, nếu nơi nào cũng đồng loạt đóng cửa hay đòi phân chia lợi ích, liệu có được không?
- Bà LÊ THỊ THU HIỀN: Luật Di sản văn hóa đã quy định các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều 15 của Luật Di sản văn hóa cũng quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, quản lý trực tiếp di sản văn hóa, phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa và bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa.
Với trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua, Bộ VH-TT-DL cùng chính quyền các địa phương đã dành nhiều kinh phí đầu tư từ các nguồn lực khác nhau để tu bổ, tôn tạo các di tích, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích với mục đích phục vụ nhân dân và du khách tham quan trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Như vậy, là chủ sở hữu hay bộ máy quản lý trực tiếp di tích, bên cạnh việc được nhà nước, nhân dân đầu tư, ủng hộ tu bổ, tôn tạo thì phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích phục vụ cho quyền của người dân được tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa.
- Bộ có đề xuất hoặc đưa ra giải pháp nào đối với tình huống này?
- Tất cả các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các thiết chế văn hóa nói chung phải luôn được mở cửa để phục vụ người dân, phục vụ khách tham quan, du lịch và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội; phục vụ du khách trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng, hưởng thụ không gian văn hóa, thiên nhiên của đất nước.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý di tích, danh lam thắng cảnh cần phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định của địa phương, cũng như quy chế hoạt động của ban quản lý nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, danh lam thắng cảnh.
Bản thân chủ sở hữu, quản lý di tích phải luôn xác định trách nhiệm của mình trong việc tổ chức tốt cho người dân, du khách thập phương tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về di tích, lịch sử văn hóa của địa phương.
Tại Điều 8 của Luật Di sản văn hóa đã quy định, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị.
Bên cạnh đó, Di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội; phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.
- Nếu trong luật và cả nghị định liên quan chưa đề cập tới việc này thì từ tình huống trên, có tiến hành sửa đổi cho phù hợp với cuộc sống không?
- Cuộc sống luôn đòi hỏi những người làm công tác quản lý nhà nước phải luôn luôn lắng nghe, tiếp thu và tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhằm quản lý xã hội tốt hơn.
Từ tình huống trên, Bộ VH-TT-DL sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực di sản văn hóa, nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.
Bộ VH-TT-DL luôn lắng nghe ý kiến góp ý xây dựng từ các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp để nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, hoàn thiện tốt hơn những văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được giao quản lý của mình.
Lãnh đạo huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, huyện đang tham mưu để tỉnh sớm hoàn thiện quy chế quản lý di tích nhà họ Vương. Riêng về phí tham quan di tích do HĐND tỉnh Hà Giang quyết định (20.000 đồng/ lượt tham quan). Tiền thu được dùng để tái đầu tư vào khu di tích, trả lương nhân viên, nộp vào ngân sách tỉnh. Thời gian qua, Hà Giang đã chi khoảng 8,5 tỷ đồng để trùng tu khu dinh thự. Theo kế hoạch, ngày 13-6, đại diện Sở VH-TT-DL Hà Giang sẽ có buổi làm việc trực tiếp với đại diện của dòng họ Vương về vấn đề này. |