Chiều 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 14.
ĐB Dương Khắc Mai khẳng định, di sản văn hóa Việt Nam, các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng nói riêng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, "trẻ hóa" sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Trả lời câu hỏi về việc di tích lịch sử xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận...
Bộ trưởng thông tin, ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã bố trí nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Số tiền này đã được bố trí cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước.
Thời gian tới, bộ sẽ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ KH-ĐT đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích.
Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Dương Khắc Mai nhắc nhở: Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi của tôi về tình trạng "trẻ hóa", biến dạng di tích sau trùng tu. Bộ trưởng cam kết gì để tình trạng này không tái diễn?
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng hồi đáp, quy định hiện hành về đầu tư tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử đã phân cấp cho chính quyền địa phương sở tại. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương: địa phương lập, trình dự án cho cấp có thẩm quyền phê duyệt và làm chủ đầu tư. Bộ chỉ thẩm định về trường hợp xâm hại di tích.
Cùng với đó, tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ VH-TT-DL đã có chấn chỉnh, cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ. Nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính trong vấn đề này là của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết sẽ xử lý theo thẩm quyền những trường hợp làm sai.