Sau gần 16 năm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai) hiện đang mất dần những giá trị vốn có. Khách du lịch tới đây vô cùng xót xa trước cảnh nhà trưng bày hoang tàn từ 1 năm nay và bãi đá cổ bị xâm hại nghiêm trọng trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương.
Tới thời điểm này, di tích bãi đá cổ vẫn là những bí ẩn, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đang không ngừng tìm tòi về thế giới của người xưa được thể hiện bằng hình vẽ, ký hiệu kỳ lạ trên bề mặt của gần 200 khối đá lớn nhỏ được tạo từ khoảng 2.000 năm nay. Và với du khách thì đây cũng là một điểm dừng chân thú vị trong tour du lịch tới Sa Pa.
Vào tháng 10-1994, bãi đá cổ Sa Pa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bãi đá cổ Sa Pa nằm xen giữa nương rẫy, một bên là đồi núi, một bên là sông suối và ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn 3 xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Khu quần thể bãi đá cổ này cũng đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhưng từ khi được cấp chứng nhận di sản quốc gia, di tích này lại rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Hiện trạng nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ Sa Pa và bãi đá cổ đang khiến du khách không khỏi tiếc nuối, xót xa. Cụ thể, nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ không có người trông coi, du khách ra vào tùy ý.
Vì vậy những bức tranh, tài liệu liên quan tới bãøi đá cổ không được chăm chút, bảo vệ nên đã bị một số du khách và người dân địa phương thiếu ý thức phá hoại. Còn bãi đá cổ thì bị những khách du lịch thích tìm hiểu khám phá leo trèo, ký lưu niệm, tự ý chạm trổ lên bề mặt đá, thậm chí chặt một vài phiến đá mang về làm kỷ niệm...
Ngay sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, tỉnh Lào Cai đã từng có một dự án bảo tồn và chạm khắc bãi đá cổ Sa Pa với giải pháp chính là: đào quanh từng hòn đá, hạ cốt đất, bộc lộ toàn bộ phần bề mặt hòn đá có hình chạm khắc, sau đó làm nền, đổ bê tông, dày 0,7m, lưới thép đường kính 4mm một dải rộng 8m bao quanh toàn bộ hòn đá, trên bề mặt quét màu giả đất. Tất nhiên, giải pháp mang tính bê tông hóa này đã bị các nhà khoa học và dư luận phản đối kịch liệt, vì cách đó sẽ làm cho bãi đá cổ biến dạng nhiều hơn.
Như vậy là từ đó tới nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào để gìn giữ quần thể đá cổ Sa Pa, các cách đưa ra đều mang tính nhất thời, lợi bất cập hại. Ví dụ: rào những hòn đá có giá trị nhất bằng những hàng rào thép, bê tông, nhưng vẫn không ngăn được sự tàn phá của du khách.
Nhưng thực tế, ảnh hưởng của di tích này lại rất lớn. Hàng năm, có hàng chục ngàn khách du lịch quốc tế tới đây tham quan và chiêm ngưỡng. Thậïm chí, cuối tháng 9-2009, triển lãm “Bãi đá cổ Sa Pa” đã được trưng bày tại Bảo tàng Vasterrbotten Thụy Điển, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển.
Một người dân bản địa cũng nhận xét, lượng khách du lịch nước ngoài tới tham quan bãi đá cổ Sa Pa nhiều hơn khách nội địa.
Một chuyên gia du lịch cho rằng, muốn bảo vệ di tích bãi đá cổ thì giải pháp hữu hiệu nhất là thu vé tham quan như các địa điểm du lịch khác, sau đó lấy nguồn thu để trả lương cho lực lượng bảo vệ chứ không nên để tình trạng hoang phế kéo dài.
Với những giá trị to lớn của di tích bãi đá cổ Sa Pa, tỉnh Lào Cai nên nhanh chóng tìm ra cách bảo tồn thích hợp khi di tích này có nguy cơ biến thành phế tích.
Hạnh Nhân