Âm nhạc đường phố chẳng hạn, tuy không phải là điều mới mẻ, nhưng gắn kết với một khu vực phức hợp nhiều không gian lịch sử, văn hóa như bến Bạch Đằng thì lại tạo ra một nét đẹp vừa ấn tượng vừa ý nghĩa giữa lòng thành phố. Thử so sánh với các nơi khác, những không gian công cộng được tạo nên bởi các công trình kiến trúc độc đáo với nét riêng về văn hóa và câu chuyện lịch sử không kém phần ly kỳ. Và tất nhiên, sự điểm tô cho không gian văn hóa bằng những nét đẹp phi vật thể là không thể thiếu, từ những món ăn vặt, quà lưu niệm đặc trưng đến những bản nhạc đầy ngẫu hứng của các nghệ sĩ đường phố. Đó đúng nghĩa là không gian văn hóa gắn liền sinh hoạt cộng đồng, phục vụ cho đời sống tinh thần cộng đồng.
Việc tổ chức những hoạt động giải trí theo kiểu âm nhạc đường phố ở những không gian sinh hoạt công cộng như bến Bạch Đằng cũng tạo nên một điểm nhấn sinh động, thân thiện cho một “siêu đô thị”. Nó tạo nên cảm hứng cho những người giàu sức sáng tạo và sức tưởng tượng để sản sinh thêm những hoạt động văn hóa - xã hội ý nghĩa hơn nữa để kết nối người với người và người với không gian xung quanh. Nó tạo ra một sự tò mò và háo hức, rằng “cuối tuần này đến bến Bạch Đằng sẽ có thể gặp và kết nối với ai, nghe nhạc gì, trò chuyện gì, chơi trò gì hay sẽ phát hiện ra một điều mới mẻ nào khác?”
Đó là những dòng ký ức về công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng rất nhiều năm về trước. Đó còn là những hồi ức theo kiểu “tuổi thơ tôi, cứ những chiều cuối tuần là được ba mẹ dẫn ra bến Bạch Đằng”. Quan trọng hơn là sự nhộn nhịp cuộc sống hàng ngày của dòng người phố thị đang được thổi vào chút hồn đương đại bằng những tác phẩm của các ban nhạc và nghệ sĩ đường phố.