Khoản tài trợ này nằm trong ngân sách trị giá 420 triệu CAD (314 triệu USD) dành cho các sáng kiến về môi trường của các tổ chức ở Ontario nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Chính phủ Canada, đầu tư trồng cây gây rừng chính là xây dựng di sản thiên nhiên cho các thế hệ sau này và là một trong những giải pháp tốt nhất để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Bộ trưởng phụ trách vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu của Canada, bà Catherine McKenna khẳng định ngoài việc hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, dự án còn hỗ trợ tạo việc làm tại địa phương và giúp nền kinh tế vững mạnh hơn. Trong 4 thập niên qua, các khu rừng trên thế giới đã hấp thu 25% lượng khí carbon do các hoạt động của con người thải ra. Các nghiên cứu cho thấy một hệ sinh thái lành mạnh khi có diện tích rừng chiếm 40%. Hiện tỷ lệ này tại khu vực Trung/Nam Ontario ở Canada có mức trung bình 26%.
Nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm 1°C chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn.... Tất cả những điều này đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại ngày nay.
Tương tự như nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển khác trên thế giới, Canada đang đối mặt với bài toán giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Climate Transparency, Canada là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tính trên đầu người cao nhất trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Tính trung bình, một người dân Canada sản sinh ra 22 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, mức cao nhất trong G20 và gần gấp 3 lần mức trung bình của người dân trong khối này. Hoạt động sản xuất dầu khí và giao thông vận tải là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên.
Trong khi đó, tình trạng ấm lên ở Canada đang diễn ra nhanh hơn vào mùa đông, khiến miền Nam nước này mưa nhiều hơn vào mùa đông trong khi tầng đất băng vĩnh cửu ở phía Bắc tan chảy. Miền Bắc Canada là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số liệu cho thấy khu vực này đang nóng lên với tốc độ rất nhanh. Giới khoa học cảnh báo rằng nếu không có hành động để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Canada sẽ phải chịu hậu quả là các đợt nóng tăng gấp 10 lần và số cơn bão mạnh sẽ tăng gấp đôi.
Đứng trước nguy cơ chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, Canada đã đặt trọng tâm cho một số dự án chống lại tình trạng này, trong đó có việc áp mức thuế carbon tại tại 4 tỉnh Ontario, Manitoba, New Brunswick và Saskatchewan từ tháng 4 năm nay. Khoảng 90% nguồn thu thuế này sẽ được chuyển lại các hộ gia đình dưới hình thức một khoản tiền “khuyến khích hành động vì khí hậu”. 10% nguồn thu thuế còn lại sẽ được dành cho các chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và khu vực công để tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.