Di sản tri thức làm trà sen Tây Hồ đã được bao đời trao truyền, gìn giữ

Nghề làm trà sen ở Quảng An - Tây Hồ (Hà Nội) vừa được Bộ VH-TT-DL quyết định đưa vào danh sách Di sản phi vật thể quốc gia trong dịp tháng 8-2024.  Việc ghi danh đã góp phần bảo vệ, gìn giữ tri thức làm trà sen, một tuyệt phẩm trà trân quý nhất trong các loại danh trà Việt của người dân nơi đây.

Tri thức làm trà sen Tây Hồ đã được bao đời trao truyền, gìn giữ. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Tri thức làm trà sen Tây Hồ đã được bao đời trao truyền, gìn giữ. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Mảnh đất Quảng An nằm cạnh Hồ Tây xưa kia là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhỏ nhô ra phía hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ.

Do khí hậu, nguồn nước và đặc biệt là thổ nhưỡng, hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép có hương thơm ngào ngạt còn được gọi là sen bách diệp. Loại sen này “khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm”.

Chẳng phải ngẫu nhiên sen hồ Tây ở vị trí thượng đẳng mà sen các vùng khác khó sánh bằng vì sen Hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ nên dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.

1bc4c4cb85d1218f78c0.jpg
Mỗi công đoạn từ tách cánh sen đến tách gạo sen đều đòi hỏi nhiều kỹ thuật cầu kỳ. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Từ xa xưa, người Quảng An đã sử dụng sen bách diệp để sáng tạo nên sản phẩm trà sen và những tri thức làm trà sen đã được bao đời trao truyền, gìn giữ đến ngày nay. Nơi đây đang song hành hai hình thức là ướp trà sen khô và ướp trà bông sen.

2d93917f8314234a7a05.jpg

Với ướp trà khô, người thưởng thức trà sen ngày nay thường không chỉ đòi hỏi trà có hương thơm mà còn phải nước đẹp, được vị, được nước vì thế các gia đình thường chọn trà Thái Nguyên. Công đoạn ướp gồm: rửa trà - tạo độ ẩm để làm mềm cánh trà, giúp cho trà dễ hút hương khi ướp với gạo sen. Không phải dùng nước để rửa trà, người Quảng An dùng lớp cánh sen con bên trong của bông hoa bách diệp vừa sạch, vừa vương vấn chút hương thơm để rửa trà. Trước khi rửa trà, họ sàng qua trà để loại bỏ trà cám. Cứ mỗi lớp trà họ lại rải lên một lớp cánh sen. Tiếp đó là khâu tách gạo sen đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo tay để thực hiện công việc nhanh chóng đồng thời giữ gạo sen được nguyên vẹn.

6b745a781b62bf3ce673.jpg

Gạo sen sau khi tách xong được sàng lại để loại bỏ tua và cánh sen bị lẫn vào. Phần gạo sen thu được phải sạch và không vướng tạp chất. Ướp trà là công đoạn cho gạo sen vào trà và để trong 2 - 3 ngày để trà hấp thụ hương sen. Trước đây, trà sen khô thường được ướp đủ 7 lần (khoảng 21 ngày). Để tạo ra một kg trà sen khô phải sử dụng khoảng 1kg gạo sen (tương đương với 1.200 đến 1.500 bông sen) chia cho 7 lần ướp.

Sấy là công đoạn làm khô trà sau mỗi lần ướp. Đây là công đoạn quyết định đến thành công của mẻ trà sen nên chỉ được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm lâu năm. Hiện nay, người làm trà sen ở Quảng An đang sử dụng ba phương pháp sấy là sấy bằng than hoa, sấy bằng nước nóng và sấy bằng bếp điện. Người làm trà Quảng An cũng có bí quyết riêng trong việc đóng gói để trà sen được bảo quản tốt và giữ được hương.

ba9195e5d4ff70a129ee.jpg

Quy trình làm trà sen bông tuy bớt cầu kỳ hơn so với trà sen khô, nhưng để có được trà ngon và đượm hương, người làm trà có những bí quyết, kỹ năng riêng. Công việc này đòi hỏi kỹ năng khéo léo, tỷ mỷ của người làm trà. Họ tách nhẹ cánh hoa để không làm gãy, dập cánh và khéo léo cho trà vào giữa bông hoa.

Sau đó, họ vuốt cánh hoa lại để bọc lấy trà. Lạt tre đã ngâm nước được dùng để buộc cánh sen, vừa giữ chắc vừa không làm dập cánh. Để giữ cho hương không thoát ra, người làm trà còn bọc thêm một lớp lá sen ngoài cùng.

9cfa1344-43a8-454e-aca3-6f4eec8dc6a9.jpg
Trà thành phẩm phải qua 7 lần ướp. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Do diện tích đất trồng sen tại các hồ đầm xung quanh Hồ Tây ngày càng bị thu hẹp, môi trường nước và đất bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải sinh hoạt nên việc trồng sen ở đây gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều hồ đầm không trồng được sen hoặc sen phát triển rất kém.

Chính vì lẽ đó, người Quảng An phải đi đến các vùng ngoại thành Hà Nội thuê đầm trồng sen như quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn... Một số đầm sen đã được trồng gần 10 năm, già sen nên cho chất lượng sen ổn định. Tuy nhiên, nếu so với sen hồ Tây thì chất lượng sen trồng ở các vùng khác chỉ đạt khoảng 80%.

Trà sen được coi là một loại danh trà công phu bậc nhất trong dòng trà ướp hương. Là một tuyệt phẩm trà trân quý nhất trong các loại danh trà Việt, từ xưa trà sen đã là phẩm vật tiến cống rồi trở thành một loại ngự trà yêu thích trong phủ chúa Trịnh đến chốn cung đình triều Nguyễn. Trà sen là một thức uống được các văn nhân, sĩ phu, tầng lớp thượng lưu chốn kinh thành ưa chuộng.

Nghề làm trà sen ở Quảng An có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và minh chứng cho quá trình khai phá, tận dụng lợi thế của tự nhiên của con người nơi đây với giống sen bách diệp và biến nó trở thành danh trà của người Việt. Nghề làm trà sen Quảng An góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định, trở thành một sinh kế của gia đình và cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục