Duy trì quan hệ đồng minh
Tổng thống Mỹ Donald chia sẻ rằng ông Abe đã hoàn thành xuất sắc công việc, giúp mối quan hệ giữa Tokyo và Washington phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng ngay cả khi ông rời cương vị, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật sẽ vẫn tiếp tục được duy trì bền vững. Nhiệm kỳ của ông Abe đã chứng kiến quan hệ Mỹ - Nhật vững mạnh hơn với các cuộc hội đàm về những thay đổi với hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc sự thay đổi trên chính trường Nhật Bản sẽ tác động ra sao tới quan hệ Tokyo - Washington, nhất là về khía cạnh hợp tác quân sự. Theo giới quan sát, Washington sẽ phải nỗ lực hơn nữa để “thích nghi” với tân Thủ tướng Nhật Bản.
Đề cập đến bối cảnh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corp, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại California (Mỹ), cho rằng với sự thoái lui của ông Abe, khu vực sẽ mất đi một người quan trọng thúc đẩy sự cạnh tranh, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Mối quan hệ thân thiết giữa ông Shinzo Abe với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã khiến ông trở thành mấu chốt của đối thoại an ninh “Tứ giác”, hay “Bộ tứ”. Thời gian gần đây, “Bộ tứ” đã trở thành cơ chế tham vấn chủ chốt để xử lý các thách thức mới nổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đề cao vai trò quan trọng của Thủ tướng Abe trong thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Quốc gia đáng tin cậy
Nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe được xem là động lực ổn định trong thời điểm đầy biến động về địa chính trị. Dưới thời Thủ tướng Abe, bên cạnh tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản có một loạt quan hệ đối tác chiến lược mới với Ấn Độ và Australia, thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á, quan hệ đối tác quốc phòng và đối ngoại tham vọng với Anh và Pháp.
Chỉ số Quyền lực châu Á của Viện Lowy đánh giá, Nhật Bản là “nhà lãnh đạo của trật tự tự do ở châu Á”, đồng thời cho rằng Tokyo đã gây dựng được tầm ảnh hưởng lớn về mặt ngoại giao dưới thời ông Abe, bất chấp sự thay đổi cán cân quyền lực nhanh chóng trong khu vực. Tương tự, các dự án hỗ trợ phát triển mà Nhật Bản dành cho Đông Nam Á và những chuyến thăm thường xuyên của ông Abe tới nơi này đã khiến Nhật Bản trở thành quốc gia đáng tin cậy nhất trong số các nước trong khu vực, theo khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore.
Theo tờ Foreign Policy, cho dù gặp một số vấn đề gần đây, nhưng ông Abe là chính trị gia được yêu mến nhất ở Nhật Bản. Từ lần đầu cầm quyền năm 2006 với tư cách thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản sau Thế chiến hai cho tới 2 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Abe đã để lại những di sản khó có thể phủ nhận.
Tháng 12-2012, Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền sau một thời gian từ chức vì lý do sức khỏe. Ông đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới vào tháng 1-2013. Sau đó, ông còn có thêm 2 chuyến thăm khác tới Việt Nam. Trong 8 năm qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển hết sức mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Năm 2017, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thứ 2 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 ở Nhật Bản. Theo thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, cho đến cuối năm 2019, Việt Nam có gần 412.000 người đang cư trú tại Nhật Bản, tăng gấp hơn 12 lần so với năm 2012. |