Không chỉ là nữ họa sĩ xuất sắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương, là nữ họa sĩ đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam đương đại, bà còn có nhiều công lao trong việc giảng dạy hội họa, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho di sản mỹ thuật Việt Nam. Từ Pháp, những tác phẩm của bà đã trở về cố hương, theo di nguyện của gia đình. Sự kiện càng ý nghĩa hơn khi năm 2018 là kỷ niệm 30 năm ngày mất của bà.
Nữ họa sĩ xuất sắc của mỹ thuật Đông Dương
Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19-1-1911 tại làng Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, Lê Thị Lựu theo cha làm công chức tòa sứ, sống ở Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1925, bà đậu bằng Sơ học Yếu lược tại Hà Nội, song không vào trường Nữ Sư phạm (Hàng Bài) như hai em. Bà quyết định tự học vẽ và ghi tên vào lớp dự bị Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1926.
Năm 1927, bà thi đỗ khóa 3, chính thức trở thành sinh viên của trường. Trong 5 năm học, ở bất cứ môn nào, cô sinh viên nhỏ nhắn và xinh đẹp cũng nổi trội hơn các bạn đồng niên. Và thật bất ngờ, cô nữ sinh đầu tiên của trường đã tốt nghiệp thủ khoa của khóa 3 (1927 - 1932).
Những nhận xét của Yvonne Schultz về tác phẩm triển lãm đầu tiên của Lê Thị Lựu thật chính xác, lột tả được hai nét chính trong tranh của người nghệ sĩ này: dịu dàng và quyết liệt. Cả hai bức tranh của bà khi ấy đều có người mua - một cái giá ngoài sức tưởng tượng của bà, những 400 đồng.
Từ năm 1933, trong 7 năm liền, bà được bổ nhiệm làm giáo sư dạy vẽ tại các trường có uy tín thời đó như: Trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), Trường Nữ Sư phạm Hàng Bài (trường Trưng Vương), Trường Tư thục Hồng Bàng, Trường Áo tím Gia Long (Hà Nội) và Trường Mỹ nghệ và Trang trí Gia Định (Sài Gòn)… Năm 1940, bà theo chồng sang Pháp và gần như sống hết cuộc đời ở đây cho đến khi mất năm 1988 tại Antibes, miền Nam nước Pháp.
Luôn hướng về quê hương
Từ khi sang Pháp, bà đã có những hoạt động thiết thực ủng hộ phong trào kháng chiến trong nước (bà từng là thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký Hiệp định Genève về Việt Nam). Bà là thành viên Hiệp hội Nữ họa sĩ, Nhà điêu khắc và Nhà khắc tranh ở Paris. Ngoài hội họa, bà còn làm thơ (ký bút danh Thạch Ẩn) và cộng tác với các tạp chí nổi tiếng: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới…
Tại Pháp, Lê Thị Lựu vẽ sơn dầu trong hai trường hợp: phong cảnh và chân dung. Cũng có một thời gian bà ít vẽ, vì lo cuộc sống. Bà thực sự trở lại với hội họa và vẽ đều từ sau năm 1955, khi chồng bà - ông Ngô Thế Tân về nước làm việc.
Ngày 23-11 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, số 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM, sẽ khai mạc triển lãm giới thiệu những tác phẩm của Lê Thị Lựu. Triển lãm giới thiệu với đông đảo công chúng 29 tác phẩm tiêu biểu của nữ họa sĩ tài hoa, tất cả vừa được đưa từ Pháp về. Bà Nguyễn Kim Phiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho biết, đây là một vinh dự lớn lao khi được gia đình cố họa sĩ tin tưởng, những tác phẩm này gia đình nữ họa sĩ có di nguyện hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM; với mong muốn bảo tàng sẽ là nơi gìn giữ tốt nhất, không hư hao mất mát, đồng thời phát huy được giá trị nghệ thuật, giới thiệu di sản quý giá này đến khách thưởng lãm trong và ngoài nước. |
Tranh Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút, chủ đề chuyên biệt: thiếu phụ, thiếu nữ và thiếu nhi. Bà chuyển tất cả thần thái, tâm sự nhớ nhà, sự âu yếm, dịu dàng và tế nhị vào nét bút như một bản sắc. Thể hiện phái tính chăng?
Chưa hẳn thế, vì trong các ký họa hay sơn dầu bà có những nét gân guốc như nam phái, đặc biệt tranh sơn dầu vẽ phong cảnh, có chút ảnh hưởng Cézanne, nhưng bà đem vào tranh những nét mềm mại, mộng mơ của thi ca Việt, của một tâm hồn Á Đông…
Hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã để lại cho đời một khối lượng tranh không nhiều - khoảng trên dưới 300 bức, phần nhiều trong số ấy bị lưu lạc. Rất may là một số bức tiêu biểu của bà còn được lưu giữ tại một số bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân.