Ngày 12-5 vừa qua, tại TPHCM, Hội đồng Khoa học về việc xây dựng Báo cáo tóm tắt di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình UNESCO và tiến tới xây dựng hồ sơ di sản thế giới đã có buổi làm việc quan trọng. Trước đó, ngày 5-9-2020, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xin chủ trương lập hồ sơ khoa học Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Những di sản mang tầm vóc thế giới luôn là niềm tự hào của những quốc gia đang sở hữu. Nhìn từ góc độ giá trị di sản, bài học lịch sử, tiềm lực phát triển văn hóa, kinh tế sau mỗi di sản thế giới là rất lớn, nhưng lớn hơn hết là niềm tự hào về bàn tay và khối óc của tiền nhân đã làm nên giá trị cho ngàn sau.
Địa đạo Củ Chi là Di tích quốc gia đặc biệt, hẳn là điều mà chúng ta đã biết. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng hồ sơ khoa học cho một di tích chiến trường, những ý kiến băn khoăn là điều không thể tránh khỏi. Liệu có nên hay không? Câu trả lời chắc chắn không nằm ở hai chữ có hay không, vì sẽ có rất nhiều bước để hoàn thành tờ trình và báo cáo khoa học trước khi gửi đến UNESCO và sau đó cũng còn rất nhiều giai đoạn để cơ quan này xem xét. Nhưng, Địa đạo Củ Chi - di tích chiến trường đâu chỉ có hệ thống đường hầm dài hơn 200km như “thiên la địa võng” trong lòng đất thép. Đó còn là sự thích nghi tài tình, là bàn tay và khối óc mưu trí của những con người trong kháng chiến, ở ngay bên cạnh kẻ thù nhưng vẫn không nguôi khát vọng giải phóng dân tộc, nối quê hương đất nước liền một dải.
Câu trả lời cho việc lập hồ sơ khoa học, cũng nằm trong trái tim mỗi chúng ta. Hành trình tới di sản thế giới là câu chuyện đường dài của tương lai, nhưng trước mắt hãy giữ cho di sản của quê hương mình niềm tự hào của những người đang sở hữu. Giá trị văn hóa, bài học lịch sử và tiềm lực phát triển vẫn nguyên vẹn, thái độ và cách mà chúng ta nhìn về di sản mới là điều giá trị hơn cả.
Tại TPHCM, nhắc tới địa đạo, một di tích khác cũng xếp loại cấp Quốc gia nhưng người dân địa phương vẫn ít khi biết đến, đó là địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú). Gió vẫn thổi qua miền cổ lũy, nhưng di tích của một thời kháng chiến gian lao dường như khuất lấp sau những đổi thay của thời gian. Những giờ học ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử địa phương ở khu di tích này cũng chẳng mấy thu hút các em nhỏ, bởi sự xuống cấp của đoạn hầm còn lại, nên dẫu muốn hào hứng cũng khó…
Điều trăn trở trong câu chuyện di sản chính là thái độ mà người đương thời và thế hệ tương lai nhìn lại những giá trị văn hóa, lịch sử từ các di sản như thế nào. Và làm thế nào để di sản sống được cùng nhịp sống đương thời của người dân địa phương, trở thành một phần sức mạnh nội sinh để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục và là động lực trong phát triển kinh tế… Chuyện khoác “tấm áo” di tích cấp tỉnh thành, quốc gia hay di sản thế giới cũng phụ thuộc từ đây, bởi “hữu xạ tự nhiên hương”, hãy tạo cho mình một niềm tự hào về di sản quê hương trước khi được người khác trầm trồ, tán thưởng.