1. Không tính những hẻm nhỏ nằm trong hẻm 120, phần mặt tiền hẻm đã ngót nghét 100 hộ dân. Ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng, hàng rào cách ly dựng ngay đầu hẻm, đã có vài chục ca mắc Covid-19 và 6 người mất ở hẻm này, trong đó, má anh Trung là người lớn tuổi nhất - 82 tuổi.
“Tôi với má nhập viện cùng một ngày, má nằm 27 ngày thì mất, còn tôi nằm tới 45 ngày, lúc trở về phải nằm nhà thêm 1 tháng mới đi đứng, sinh hoạt bình thường trở lại. Nhưng thôi, trong cái mất mát, mình phải nhìn về điều tích cực, năm này gặp lại bạn bè ai cũng mừng hết trơn, một trận Covid-19 mà mình vẫn còn mạnh lành gặp lại mọi người là một hạnh phúc lớn rồi”, anh Nguyễn Thành Trung (ngụ hẻm 120) chia sẻ.
TPHCM ghi nhận dịch Covid-19 ở cấp độ 1, cũng là lúc tết đang cận kề. Hẻm nhà anh Trung phần lớn là dân lao động nên mỗi nhà mỗi việc, người buôn bán tất bật cho kịp ngày cuối năm, nhà nào thong thả hơn thì dọn dẹp trong ngoài cho tươm tất để đón tết… Nhà anh Trung cũng vậy, mọi thứ được anh sắp xếp gọn gàng, trên bàn bày sẵn vài hũ dưa món, củ kiệu để ngày tết ăn kèm bánh tét, nồi thịt kho. “Năm nay, nhà có tang bà già nên chỉ đơn giản vậy thôi, dọn dẹp nhà cửa cho gọn để tết con cháu về, bàn ghế sạch sẽ. Mấy món củ kiệu, dưa cải này hồi còn sống, má tôi thích lắm, nên năm nào tôi cũng làm. Năm nay không có má thì tôi vẫn làm, trước là cúng ông bà, sau là cả nhà ăn cơm quây quần với nhau”, anh Trung kể.
Tôi đi hết hẻm 120 thông ra phía đường Bùi Viện (quận 1). Vừa bán xong nồi hủ tiếu cữ sáng, chuẩn bị mâm lễ đưa ông Táo về trời, chị Ngô Hạnh Dung (45 tuổi) chia sẻ: “Hồi dịch Covid-19 căng thẳng, vừa lo vừa rầu, giãn cách mấy tháng trời, tui hay nói với ông xã: kể như xong rồi, tết nhất chắc cũng giãn cách, ai nấy ở yên trong nhà thôi. Mừng quá, bây giờ thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, cũng không dám chủ quan, nhưng mọi hoạt động gần như bình thường lại, ai có điều kiện thì ăn tết lớn, không thì ăn tết nhỏ. Vui nhất là sau dịch mình vẫn còn nguyên vẹn để chuẩn bị tết với nhau, cùng bà con trong xóm kéo dây đèn xanh đỏ trang trí hẻm, vậy là hạnh phúc rồi…”.
2. Cũng thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, buổi tiệc tất niên của bà con khu phố 6 là niềm vui khi tết này thành phố là vùng xanh, cùng những cảm xúc lắng đọng nhìn về một năm đã qua. Đoạn video ghi lại hình ảnh của những ngày gian nan chống dịch khiến ai nấy lắng lòng. Bó rau xanh được tình nguyện viên mang đến tận từng nhà, lực lượng liên ngành chống dịch trực ở những chốt kiểm soát đầu khu phố hay bộ đội đi chợ giúp dân… đều được bà Trần Thị Hạnh (62 tuổi, Phó Ban điều hành khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) ghi lại thành một video. Bà chia sẻ: “Nói nào ngay, đi qua những ngày khó khăn đó mà tình xóm giềng kết chặt hơn. Trước đây, các tổ trưởng trong khu phố ai làm việc nấy, ít khi thân thiết với nhau, sau đợt dịch này, tổ trưởng bên này hỗ trợ bên kia, gần gũi nhau lắm. Cả khu phố 6 có 11 tổ trưởng, một nửa trong số đó từng là F0, tui cũng từng là F0 luôn, nên lúc nào giúp gì được cho nhau là mọi người sẵn lòng làm liền”.
Hẻm 153 đường Nguyễn Thị Minh Khai (khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) được bà Hạnh và người dân trong hẻm trang hoàng thật đẹp. Bức rèm tre cùng dòng chữ “Xuân yêu thương” dựng ngay phía chốt bảo vệ khu phố ở đầu hẻm. Bà Hạnh nói, thiệt nhẹ nhàng: “Một năm nhìn lại, yêu thương nhau là đủ rồi hen…”. |
3. Ở ngoại thành, trong những ngày bùng dịch, huyện Bình Chánh là một trong những điểm “nóng” nhất. Cận tết, tôi tìm đến một “chợ quê” ở Bình Chánh và chỉ cần bước ra chợ ngó nghiêng một hồi cũng đoán được bà con năm này làm ăn thế nào. Chợ Quy Đức (xã Quy Đức, huyện Bình Chánh), nơi qua lại buôn bán của người dân hai xã Quy Đức, Đa Phước, phải đến tận giữa tháng 10-2021 mới bắt đầu họp trở lại. Tết nhất cận kề, từ nhà lồng đến bên ngoài, hàng hóa chộn rộn, vài tiểu thương bắt đầu căng bạt, che dù, kê ghế để chuẩn bị bán chợ tết xuyên đêm.
Có người nhiễm bệnh, có người mất, thành ra cái chợ xã ở ngoại thành đã nhỏ, nay lại thêm chút buồn khi vài tiểu thương quen mặt nay vắng bóng. Đứng bán thịt thay mẹ chồng phía đầu chợ, chị Nguyễn Thảo Nguyên (36 tuổi, ngụ xã Qui Đức) kể: “Cả nhà tôi cùng là F0, nhưng mẹ chồng tôi không qua khỏi. Vợ chồng tôi đứng bán thay mẹ cũng hơn 2 tháng nay, khách quen đi chợ không thấy mẹ hỏi thăm rồi mọi người mua ủng hộ cũng nhiều. Mất mát thì đâu phải chỉ có gia đình mình, nên cũng phải ráng vượt qua. Hồi xưa, khách đi chợ hay nói ghé sạp thịt bà Tư, giờ mọi người gọi là sạp thịt con bà Tư, nghe cay cay khóe mắt”.
Khỏi bệnh hồi đầu tháng 11-2021, chuẩn bị dù bạt để bán chợ tết, cô Chín Kiều (ngụ xã Quy Đức) tâm sự: “Năm nay cũng như năm ngoái, bán bưởi với dưa hấu thôi, nhưng mà tôi lấy ít hơn một chút, vì dịch nên bà con mình khó khăn, đi chợ cũng eo hẹp hơn. Mà thôi kệ, ra chợ gặp lại bạn hàng, khách quen ai nấy còn nguyên, còn buôn bán, tếu táo với nhau mấy câu là vui rồi. Tết năm nay, không dư dả nhiều thì mình mua sắm ít lại chút, còn sức khỏe, mạnh giỏi, sang năm ráng làm bù lại…”.
Những tháng dài giãn cách xã hội, căng mình chống dịch, thành phố năm nay cần nhiều thời gian để phục hồi mọi thứ. Đâu đó ắt hẳn sẽ còn những nỗi buồn, mất mát len lỏi. Nhưng sau những ngày “mưa bão” là mùa xuân mới cận kề, còn niềm tin thì chúng ta vẫn còn sức mạnh để cùng bước tới...