1. Những điều không may mắn chưa bao giờ giống nhau, mỗi người đều có những nỗi buồn mang dáng dấp khác nhau… Có thể trong lúc cùng cực nào đó, người ta dễ nghĩ mình là kẻ bất hạnh nhất, thật ra chỉ là chúng ta chưa nghe câu chuyện của người khác thôi.
Suốt bốn năm đại học và mãi đến tận vài tuần gần đây, khi câu chuyện áp lực tâm lý trong giới trẻ dẫn đến trầm cảm, tự tử được nhiều người quan tâm, cô bạn tôi mới chịu bộc bạch, bản thân cũng từng như thế khi ba mẹ chia tay. Ba mẹ bạn tôi chia tay khi bạn còn học tiểu học, và từ ấy đến nay cô bạn chỉ biết có mỗi mẹ và gia đình bên ngoại, còn ba rất ít đoái hoài vì ông đã có cuộc sống mới. Đó cũng là lý do tại sao đi đâu với tôi, cô bạn cũng sẵn sàng nhưng chưa bao giờ đồng ý cho tôi về thăm nhà, mặc dù thân thiết như chị em.
“Tới bây giờ, tôi vẫn mặc cảm khi nói về gia đình mình có ba mẹ chia tay, cảm thấy chạnh lòng và tủi thân lắm nên tôi không muốn nhắc lại. Ở quê tôi, quan niệm về một gia đình không trọn vẹn rất nặng nề, mẹ tôi cũng từng lo lắng con gái sẽ ế vì không ai muốn ngồi sui với gia đình mà cha một đàng, mẹ một ngả”, bạn tôi kể.
Để bước qua những dư luận khắt khe đó, bạn tôi chỉ quan tâm đến chuyện học và đi làm, mãi đến bây giờ chuyện tình cảm vẫn là nỗi ám ảnh. Một lo lắng vô hình rằng chính mình cũng sẽ như ba mẹ, không trọn vẹn trong tình yêu khiến bạn tôi sống rất khép kín dù làm việc trong lĩnh vực truyền thông và xung quanh không thiếu người theo đuổi.
Cũng có không ít cuộc chia tay mà mãi về sau này, người trong cuộc vẫn còn đầy trách hờn khi nhắc về nhau. Cô bé hàng xóm vừa chuyển về cạnh nhà tôi, nhỏ hơn tôi 3 tuổi, nhưng em đã bươn chải từ sau khi tốt nghiệp THPT vì không có điều kiện học tiếp đại học. Em kể: “Mỗi lần xỉn là ba đánh mẹ, vì tụi em mà mẹ chịu đựng tới bây giờ. Mẹ sợ không giữ được gia đình hạnh phúc, hàng xóm sẽ cười chê, em thì không thể chịu nổi nữa nên khuyên mẹ buông tay, em đi làm phụ mẹ lo cho em trai đang học lớp 10”.
Câu chuyện dừng lại ở đó, nước mắt em chảy dài vì mơ ước vào đại học dở dang… Và nhắc đến ba, dẫu em không nặng lời nhưng vẫn còn giận lắm: “Em không muốn nhắc về ba nữa”.
2. Trong những chuyện buồn phải đối mặt, tôi lại nghĩ mình may mắn vì ít nhất bản thân đủ sức chịu đựng câu chuyện không vui đó. Lúc tôi học lớp 8, ba mẹ kết thúc cuộc hôn nhân, sau những ngày trò chuyện thì ít mà cãi vã thì nhiều. Ba nói với tôi: “Ba mẹ chỉ có thể làm bạn một quãng đường thôi”; mẹ nhẹ nhàng: “Lúc nào con cũng là con của ba mẹ”. Tôi sống với mẹ, và ba cũng bắt đầu chặng đường mới. Nhà ba hay bên nội, tôi muốn về lúc nào cũng được, nhưng cảm giác vẫn lạ lắm… Đó dường như không phải là nhà của mình, khi có ba thì thiếu mẹ và có mẹ thì thiếu ba.
Tôi có thể ngồi làm bài tập toán từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối, cố vùi mình vào phương trình, hình học… để quên đi những điều đã xảy ra. Những bữa cơm chiều với mẹ cũng trở nên tẻ nhạt, khi một đứa mới về tới cổng trong nhà đã nghe tiếng như tôi lại trở nên lầm lỳ, ít nói, khiến mọi thứ trong nhà, cả mẹ tôi, thêm nặng nề.
Khi nhìn mái tóc của mẹ bạc đi nhiều chỉ sau vài tháng mái nhà chia hai, tôi chợt hiểu điểm tựa của mẹ bây giờ là tôi, và không thể cứ mãi xây cho mình một áp lực vô hình như thế. Chuyện không muốn cũng đã xảy ra, lấy mảnh vỡ đó làm đau mình hay bước qua là do mình. Bước qua những ngày như mây mù giăng trên đầu đó, thành tích học tập của tôi làm động lực cho mẹ, tiếng cười của tôi cũng là niềm vui của mẹ… Mỗi khi nhắc về ba, mẹ đã thôi buồn và lòng tôi cũng thôi nặng nề, mảnh vỡ ấy tất nhiên không thể lành khi mái nhà đã không trọn vẹn, nhưng có làm đau mình nữa hay không là do mình lựa chọn.
Không phải cuộc chia ly nào cũng êm đẹp như ba mẹ tôi đã từng, đã có rất nhiều điều đáng tiếc xảy ra quanh những cuộc hôn nhân không tròn, mà các phương tiện truyền thông ít nhiều đã nhắc đến. Bước qua những mảnh vỡ chắc chắn là những ngày không dễ dàng, nhưng hành trình cuộc sống không hề dừng lại ở những nỗi buồn...