Ngày 24-7, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với một số bảo tàng, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh của 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Đi qua cuộc chiến”.
Trưng bày chuyên đề “Đi qua cuộc chiến” là một hoạt động chính trị và văn hóa có ý nghĩa bởi không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương thương binh mà thông qua lời chia sẻ chân thực và cảm động của các thương binh, giúp người xem có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ của bảo tàng đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gặp gỡ nhiều nhân chứng để trò chuyện, ghi hình và biên tập thông tin để có những tư liệu phục vụ triển lãm. Trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề, ban tổ chức chỉ có thể giới thiệu được câu chuyện của gần 50 thương binh ở Hà Nội, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ… Đây là một phần nhỏ trong số hàng nghìn câu chuyện của các thương binh trên khắp mọi miền Tổ quốc, được kể theo mạch hồi ức từ quá khứ đến hiện tại và những mong ước cho tương lai.
Câu chuyện Đi qua cuộc chiến được kể theo mạch ba nội dung chính: Ký ức nơi chiến trường, Khi cuộc chiến đã qua và Ước mơ.
Khi đất nước có chiến tranh, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bao lớp thanh niên Việt Nam đã hăng hái lên đường chiến đấu. Những người lính trẻ đã nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, họ băng rừng, lội suối, vượt qua mưa bom bão đạn; đối mặt với quân thù, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh.
Khi cuộc chiến đi qua, dù may mắn được trở về nhưng với các thương binh thì chiến tranh dường như vẫn còn đó bởi nỗi đau thương tật, khó khăn và những trở ngại trong cuộc sống.
Nhiều câu chuyện cảm động được kể lại một cách dung dị qua hình ảnh, hiện vật
Chiến tranh đã kết thúc, mặc dù thương tật đầy mình nhưng những cựu chiến binh vẫn luôn phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên, tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Đó là tấm gương về ông Nguyễn Thế Nghĩa, sinh năm 1945, thương binh hạng 3/4, quê ở Bắc Giang; bà Trần Thị Bưởi, thương binh hạng 4/4 quê ở xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Quảng Trị); ông Trịnh Xuân Lâm, sinh năm 1956, thương binh hạng 4/4, ở xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa…
Qua những câu chuyện được kể theo mạch hồi ức từ quá khứ đến hiện tại và những mong ước cho tương lai, những lời chia sẻ cảm động và chân thực của những thương binh, người xem thấy được rõ hơn giá trị hòa bình và phấn đấu xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.