Đi nước ngoài chữa bệnh, thanh toán BHYT ra sao?

° Nhân viên bị ốm phải sang nước ngoài trị bệnh thì phải nộp những giấy tờ gì để được hưởng chế độ ốm đau của Bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam? (Công ty TNHH Trung tâm thể dục thể hình và Yoga California, quận 4, TPHCM).


° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài, gồm: bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp (bản chính), nộp cho đơn vị sử dụng lao động; danh sách theo mẫu C70a-HD do người sử dụng lao động lập (bản chính).

° Trường hợp người lao động đã tham gia BHYT tại địa phương khác, nhưng làm việc và khám chữa bệnh ở TPHCM (trái tuyến) thì chính sách chi trả như thế nào? (Công ty TNHH Ingreetech, quận Bình Tân).

° Khi điều trị nội trú, người lao động được hưởng quyền lợi như sau: 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT nhân (x) với mức quyền lợi được hưởng (80%, 95%, 100% tùy theo đối tượng tham gia BHYT) tại các bệnh viện quận, huyện. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, người lao động được hưởng 60% chi phí khám chữa bệnh BHYT x mức quyền lợi được hưởng và tỷ lệ được hưởng 40% đối với các bệnh viện tuyến trung ương. 

Trường hợp điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến trung ương nhưng không trong trường hợp cấp cứu, không có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT đúng quy định, sẽ không được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT.

° Công ty có phải mua BHYT bắt buộc cho người lao động lớn tuổi đã tham gia BHYT hộ gia đình không? Trường hợp người lao động lớn tuổi không muốn mua BHYT bắt buộc thì giải quyết như thế nào? (Công ty TNHH Điện tử viễn thông Hải Đăng, quận 10).

° Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT. Như vậy, người lao động phải đóng BHYT bắt buộc theo đơn vị đang công tác. Sau khi đăng ký tham gia BHYT bắt buộc, người lao động đến đại lý thu tại UBND phường hoặc đại lý thu ở bưu điện, nơi đăng ký mua thẻ BHYT hộ gia đình, để được hoàn trả lại tiền đóng trùng (nếu có). 

Trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, nhưng doanh nghiệp không tham gia là trái với quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục