Buổi sáng, khi thủy triều rút xuống, một khu vực rộng lớn ở vùng biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) khô trơ đáy. Đây là thời điểm nhiều người đi nạo nghêu (còn gọi là con ngao, hến biển).
Với một chiếc cào làm bằng khúc tre, ống nhựa, hoặc đoạn thép dài khoảng 1,6m đến 2m có gắn một lưỡi thép hình chữ U ở cuối, một chiếc đai để giữ cào luôn sát người và một túi lưới buộc ở giữa để chứa nghêu là có thể đi nạo nghêu.
Người đi nạo nghêu phải khom về phía trước, dùng lực ấn lưỡi nạo xuống cát và cứ thế đi giật lùi trên biển đến khi nghe tiếng va chạm giữa con nghêu và lưỡi thép thì dừng lại để móc nghêu lên, bỏ vào túi lưới.
Khi thủy triều rút là lúc đi nạo nghêu |
Nghêu ở vùng biển Cửa Sót có nhiều loại, nhưng chủ yếu là nghêu bạc (vỏ màu trắng), nghêu nhớt (vỏ màu vàng và màu đỏ), nghêu lòn (vỏ màu đen).
Vừa nạo nghêu, chị Hoa (ở huyện Lộc Hà) vừa nói, đi nạo nghêu phải kiên trì, chịu khó. Ngoài việc đi bộ trên biển nhiều mỏi chân, kéo cào đau lưng, đau vai, người nạo nghêu còn phải dầm mình suốt nhiều giờ đồng hồ trong nước biển. Để dễ dàng di chuyển, người nạo nghêu phải đi chân đất nên việc dẫm phải vỏ ốc, vỏ nghêu, vật cứng dẫn đến xước da chảy máu là bình thường.
Nghêu ở vùng biển Cửa Sót có nhiều loại |
Nghề nạo nghêu ở vùng biển Cửa Sót đã có từ lâu đời. Ngoài người dân ở huyện Lộc Hà, còn có người dân ở huyện Thạch Hà xuống vùng này nạo nghêu. Bình quân mỗi người đi nạo nghêu từ sáng đến trưa được khoảng 4-5kg. Sau khi nạo nghêu về, người dân đem rửa sạch để sử dụng hoặc bán. Những con nghêu to có giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg trở lên, còn nghêu nhỏ thì dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/kg.