Đi massage trị liệu, về bệnh viện trị thương

Lựa chọn massage để khỏe người nhưng không ít khách hàng bầm dập vì đau nhức và biến chứng. Nhiều kỹ thuật viên massage kiêm “bác sĩ” tư vấn, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ làm đẹp, giảm béo, thậm chí tân trang “vùng kín” nếu kháchcó nhu cầu.

Đi massage trị liệu, về bệnh viện trị thương

Massage... mệt người

Thời gian qua, các cơ sở spa, massage thư giãn, xoa bóp trị liệu nở rộ do nhu cầu khách hàng tăng cao. Tuy vậy, giữa hàng trăm cơ sở tự xưng trị liệu, khách hàng có nguy cơ “đi massage trị liệu, về bệnh viện trị thương”.

Tại một spa ở TP Thủ Đức (TPHCM) với biển hiệu chằng chịt nội dung từ massage đến thẩm mỹ, giảm cân, chúng tôi (trong vai khách hàng) lựa chọn dịch vụ trị liệu cổ vai gáy cơ bản. Nam nhân viên tư vấn, gói dịch vụ này không hiệu quả bằng gói chuyên sâu, dao động từ 300.000-550.000 đồng. Điểm khác biệt là việc sử dụng công nghệ “đả thông kinh lạc chuyên sâu bằng máy”. Chi phí càng cao thì thời gian cho kỹ thuật này càng dài.

Sau khi nâng cấp dịch vụ, chúng tôi được nữ nhân viên tên B., khoảng 50 tuổi, trị liệu. Theo bà B., khách bị tắc mạch, tắc cơ, tắc thần kinh nên đau mỏi vai gáy. “Bệnh nặng rồi, phải làm liệu trình 10 buổi gói chuyên sâu mới hiệu quả. Bệnh này nếu để lâu sẽ nguy hiểm, gây ra đột quỵ và tai biến, liệt yếu nửa người. Tây y không điều trị được, chỉ bên đây mới trị được thôi”, bà B. khẳng định.

Để làm thông mạch, bà B. xoa bóp bằng tay rồi dùng một dụng cụ bằng gỗ lăn lên lưng khách hàng, gọi là “đẩy gậy liễu khuynh thành”. Sau đó, bà dùng máy để châm cứu, đưa thuốc vào sâu cơ thể, đả thông mạch máu và thải độc. Bà B. giải thích, độc tố sẽ thải ra ngoài thành các hạt ngứa và vết bầm trên cơ thể.

Theo bà B., đây là chiếc máy “thần kỳ”, sử dụng tần sóng nên an toàn với mọi khách hàng. Máy không chỉ trị liệu hiệu quả mà còn giúp giảm béo, “điêu khắc” eo và cơ thể. Để tăng tính thuyết phục, bà B. dẫn chứng hàng loạt khách hàng được bà tạo cằm V-line, điều trị méo mồm do đột quỵ...

“Massage ở chỗ khác là thư giãn, còn ở đây là trị liệu, tức là điều trị bệnh”, bà B. cho hay. Nếu muốn làm liệu trình, khách hàng phải đặt lịch trước vì bà B. rất bận rộn: vừa đào tạo nhân viên trị liệu cho spa, vừa dạy nghề ở trường trung cấp với chuyên ngành làm đẹp và trang điểm tóc cô dâu. Bà B. quảng cáo thêm, “đỉnh cao” ở cơ sở này là kỹ thuật liên quan đến tân trang “vùng kín”. Theo danh mục dịch vụ tại spa, dịch vụ “trẻ hóa, se khít” ở đây có giá 2,5-3,5 triệu đồng/lần.

Tuy nhiên, chưa kịp trải nghiệm nhiều dịch vụ, cơ thể chúng tôi đã đỏ rộp, phải dùng thuốc giảm đau sau 60 phút bà B. trị liệu cổ vai gáy.

Đau nhức sau khi massage không thấm vào đâu so với tình huống của gia đình chị Nguyễn My Ly (quận Gò Vấp, TPHCM). Theo chị Ly, người cô của chị (52 tuổi) bị đau vùng thắt lưng, vùng vai gáy kéo dài nên thường đến một cơ sở xoa bóp, bẻ khớp thư giãn. Khi kỹ thuật viên đang bẻ khớp, cô của chị thấy đau nhói và không đi lại được. Tại Bệnh viện 1A (TPHCM), kết quả chụp X-quang cho thấy cô của chị Ly bị gãy xương sườn số 12, viêm sưng nhẹ. “Cô ấy phải hạn chế đi lại 1 tháng. Từ đó đến nay, gia đình tôi không dám đi bẻ khớp thư giãn nữa”, chị Ly tâm sự.

Tràn lan “bác sĩ” Google và TikTok

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ, chuyên gia y học cổ truyền (YHCT), Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, massage hay xoa bóp bấm huyệt sai cách sẽ gây ra những hậu quả nặng nề. Nguyên nhân chính là do kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, học cấp tốc, thậm chí học từ “bác sĩ” Google và TikTok.

“Bệnh viện là nơi phải xử lý hậu quả từ việc xoa bóp, massage sai kỹ thuật, nhất là từ những cơ sở mạo nhận trị liệu”, BS Huỳnh Tấn Vũ cho biết. Trong đó, nhiều trường hợp bị tổn thương thần kinh cơ, viêm tụ dịch, trật khớp, thậm chí bị tổn thương tủy do bị giẫm lên lưng. Một số kỹ thuật viên có động tác vặn cột sống rất mạnh tay, có thể làm tổn thương tủy sống và dẫn đến liệt chi.

“Nếu khách hàng có bệnh nền, nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn khi gặp kỹ thuật viên “tay ngang”. Riêng hoạt động trị liệu thuộc về lĩnh vực y khoa, nhân viên phải là y sĩ hoặc bác sĩ được đào tạo bài bản, không thể tự xưng hay mạo nhận, gây hậu quả cho khách hàng”, BS Huỳnh Tấn Vũ lo ngại.

N4c.jpg
Bà B., kỹ thuật viên một spa ở TP Thủ Đức (TPHCM), đang “trị liệu” cổ vai gáy cho khách hàng bằng máy “thần kỳ”

Tuy nhiên, trở thành kỹ thuật viên massage trị liệu lại khá dễ dàng. Các khóa học cấp tốc từ 10 ngày đến vài tuần được quảng cáo rầm rộ trên mạng, học phí 3,5-9 triệu đồng. Các trung tâm cam kết có bằng chính quy do Bộ LĐTB-XH cấp, đảm bảo 100% học viên ra nghề có ngay việc làm với mức lương trên 10 triệu đồng. Trên mạng xã hội Facebook và TikTok cũng nở rộ các lớp đào tạo online hấp dẫn, học qua loa nhưng kiếm tiền nhanh.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, liên quan đến các cơ sở xoa bóp bấm huyệt và trị liệu, Sở Y tế có thẩm quyền quản lý với phòng khám YHCT hoặc phòng chẩn trị YHCT. Các cơ sở trên phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động, người chịu trách nhiệm chuyên môn là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực YHCT, hoặc y sĩ YHCT, lương y, người có bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền. Trong khi đó, các cơ sở dịch vụ xoa bóp lại thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của về địa phương nơi đăng ký kinh doanh.

“Ngành nghề này không được xem là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, thủ tục công bố cơ sở dịch vụ xoa bóp không thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ. Trước mắt, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, khách hàng phải là “người tiêu dùng thông thái”.

Tin cùng chuyên mục