Không lo đầu ra
Bình Phước hiện có 15.889ha tiêu, năng suất hơn 1,8 tấn/ha, sản lượng 24.307 tấn/năm, được trồng tập trung ở các huyện biên giới Lộc Ninh (5.423ha), Bù Đốp (3.997ha) và Hớn Quản (1.799ha). Người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn do giá tiêu xuống thấp, dịch bệnh hoành hành làm tiêu bị chết và để duy trì sản xuất, các hộ dân đã cùng nhau thành lập các HTX trồng tiêu sạch theo hướng hữu cơ, cho năng suất cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thị trường.
HTX hồ tiêu hữu cơ xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) do anh Phạm Thanh Chung làm giám đốc, với 29ha tiêu canh tác hữu cơ, dùng phân dê, phân gà để bón cho cây tiêu, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên thu hoạch bao nhiêu cũng bán hết. Vụ 2020-2021, HTX thu hoạch được 75 tấn tiêu và vụ 2021-2022 ước thu về khoảng 95 tấn. Để vườn tiêu sinh trưởng tốt, HTX ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để tạo hữu cơ có lợi, chống lại tuyến trùng, nấm gây hại nhằm bảo vệ vùng rễ, tái tạo, phục hồi rễ cây tiêu bị tổn thương, giúp cây tiêu tăng cường khả năng kháng bệnh.
Từ năm 2013 đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phối hợp với Công ty Nedspice Việt Nam phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A từ khi trồng, thu hoạch, phơi sấy đến bảo quản hạt tiêu phải tuân thủ bộ nguyên tắc đề ra và tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện tỉnh có 65 câu lạc bộ trồng tiêu theo tiêu chuẩn R.A với 2.000 hộ, với diện tích 2.000ha, sản lượng đạt 3.500-4.000 tấn/năm, được bao tiêu 100% sản phẩm. Công ty Nedspice cũng thu mua hơn 4.000 tấn/năm của các câu lạc bộ tham gia dự án, 12.000 tấn/năm của nông hộ ngoài dự án đạt yêu cầu chất lượng, đội ngũ nhân viên cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây tiêu, giúp bà con thay đổi nhận thức canh tác, ổn định sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Tỉnh Bình Phước cũng đang triển khai sản xuất tiêu hướng bền vững, hữu cơ, VietGAP, thực hành nông nghiệp tốt (IPM) trên quy mô lớn hơn, xây dựng đề án nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, trong đó cây tiêu được ưu tiên phát triển theo hướng sạch, an toàn và định hướng xuất khẩu. Anh Phương Thành Trận (SN 1971, ngụ xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) có 15ha tiêu đạt chứng nhận hữu cơ nên được nhiều đối tác thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường châu Âu, với giá 100.000-120.000 đồng/kg (giá trị trường 80.000 -85.000 đồng/kg), gia đình anh Trận yên tâm phát triển sản xuất.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hồ tiêu là cây trồng chủ lực của tỉnh nên từ rất sớm ngành nông nghiệp đã hợp tác với các công ty liên kết cùng bà con sản xuất tiêu sạch bền vững, thu mua, bao tiêu sản phẩm nhằm thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Từ kết quả đạt được, thời gian tới, Bình Phước sẽ tập trung phát triển sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn R.A và organic trong chọn giống tốt, mật độ trồng, chăm sóc hạt tiêu, nâng cao chất lượng hạt tiêu, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến tiêu trắng, tiêu nghiền bột, phát triển sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu, hướng tới phát triển bền vững cây tiêu.