° Tôi là giáo viên, dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7, TPHCM); bậc lương 9 với hệ số lương là 4.98. Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 9-1986 đến nay. Nếu tôi về hưu sớm từ năm nay, thì tôi bị trừ khoảng bao nhiêu tỷ lệ lương hưu? Nếu cố gắng công tác cho đến ngày 10-11-2023 (tròn 60 tuổi) thì tôi hưởng lương hưu được khoảng bao nhiêu? (VÕ DUY QUANG, quận 7, TPHCM)
° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Mức lương hưu hàng tháng của người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định (nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi), cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi bị giảm 2%. Nếu ông nghỉ hưu trong năm 2018 thì bị giảm 10% (tương ứng với 5 năm nghỉ sớm). Tôi không thể tính mức lương hưu cho ông nếu hưởng vào năm 2023 vì không có thông tin về việc đóng BHXH trong tương lai.
° Con trai tôi tốt nghiệp kỹ sư ở Việt Nam, chưa đi làm ở đâu thì được công ty bên Nhật Bản tuyển dụng, ký hợp đồng 5 năm và cháu đang làm việc bên đó. Sau 5 năm, dự kiến công ty có trả cho cháu một khoản trợ cấp. Như vậy, thời gian làm việc 5 năm bên Nhật đó có tính là thời gian đóng BHXH ở Việt Nam hay không? (Một bạn đọc ở quận 1, TPHCM)
° Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 85 Luật BHXH, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc, khi đi làm việc ở nước ngoài thì mức đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện quy định trên, trường hợp người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam, cá nhân đi làm việc tại nước ngoài thì không thuộc đối tượng đóng BHXH. Sau khi về Việt Nam, người lao động tiếp tục đi làm theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì tham gia BHXH theo quy định.
° Nhân viên part time làm việc theo giờ, thời gian làm việc không ổn định, tháng làm, tháng không làm, lương thu nhập không đều. Ví dụ: tháng 1 là 4 triệu đồng; tháng 2 nghỉ; tháng 3 là 2,5 triệu đồng và tháng 4 là 3 triệu đồng. Hiện nay, một số nhân viên nghỉ luôn sau thời gian làm việc này (tức là sau 4 tháng); một số nhân viên thì tiếp tục làm việc. Xin hỏi: số nhân viên được đóng BHXH là nhóm 1 hay nhóm 2? Nếu đóng thì tổng thu nhập tiền lương của nhân viên part time chưa đạt mức tối thiểu vùng, như thế nhân viên có được đóng hay không? (bạn đọc có email rec…@gpo.com.vn)
° Căn cứ Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn dưới luật thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Thực hiện theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp và người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Mức lương đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
° Tôi nhập ngũ năm 1965, công tác liên tục trong quân đội, đến ngày 26-4-1993 được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ký quyết định cho nghỉ công tác chuyển về T67 để giải quyết chế độ, nếu như T67 làm đúng chính sách thì cuối năm 1993 tôi mới có sổ hưu. Nhưng khi nhận được quyết định nghỉ việc của tôi, T67 đã làm luôn thủ tục gửi ngay cho Sở LĐTB-XH TPHCM, nên ngày 1-7-1993 tôi đã nhận được quyết định nghỉ hưu. Trong khi đó, ngày 14-6-1993, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ký quyết định nâng lương của tôi từ 390 đồng lên 425 đồng. Tôi muốn điều chỉnh lương hưu của tôi từ 390 đồng lên 425 đồng cho đỡ thiệt thòi thì làm như thế nào? (NGUYỄN NĂNG HOÀNH, quận Tân Bình, TPHCM)
° Tôi tra hồ sơ thì thấy nội dung ông đề nghị đã được Bộ LĐTB-XH trả lời tại văn bản số 76 ngày 11-1-2016, theo đó việc đề nghị được xem xét điều chỉnh mức lương chính để tính lương hưu từ mức 390 đồng lên mức 425 đồng theo quyết định của Quân khu 7 là không có cơ sở xem xét, giải quyết. Ngoài ra, nội dung này cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn